Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 17, hôm nay (16/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về các giải pháp thuế nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề xuất của Chính phủ đưa thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp về 22%, nhưng yêu cầu áp dụng sớm hơn lộ trình.
Theo Tờ trình của Chính phủ, gói hỗ trợ được ban hành lần này dự kiến hỗ trợ khoảng 2.647 tỷ đồng tiền thuế.
Chính phủ đề xuất từ ngày 01/7/2013 áp dụng một số quy định về thuế được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu không quá 20 tỷ đồng 1 năm được áp dụng thuế suất 20%.
Doanh nghiệp thực hiện đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội được áp dụng thuế suất 10% đối với phần thu nhập từ bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị: Cần xác định rõ lộ trình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ nay đến năm 2020: “Thuế 22% từ 1/1/2014; 1/1/2016 là 20%; 1/1/ 2020 là 18%. Công bố như thế nhà đầu tư sẽ phấn khởi, yên tâm. Chính sách thuế nên đơn giản thôi, cứ phân chia ra nhiều loại doanh nghiệp quá sau này dễ tiêu cực. Ai mà biết 20 tỉ với 30 tỉ, bao nhiêu lao động. Đầu năm làm ăn được thì có hàng trăm lao động nhưng giữa năm khó khăn lại giảm. Thuế suất phổ thông vào năm 2014 sẽ là 22%. Trong điều kiện hiện nay nếu giảm ngay xuống được 20% thì tốt”.
Về đề xuất giảm 30% số thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70 mét vuông và có giá bán dưới 15 triệu đồng 1 mét vuông, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng: Đây chỉ là giải pháp trước mắt, cần có tính toán nếu không sẽ gây hậu quả về xã hội sau này.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu ý kiến: “Chúng ta đang mong muốn làm sao giãn dân, bớt áp lực về giao thông, bớt tắc đường. Nếu chia nhỏ căn hộ ra thì mật độ sẽ tăng lên, hậu quả chính sách sẽ như thế nào. Ngày hôm nay chúng ta hỗ trợ doanh nghiệp nhưng ngày mai sẽ gánh hậu quả của việc này. Tôi đề nghị cần khoanh vùng, khu vực nào cho phép hạ tầng đảm bảo thì áp dụng chính sách này, còn khu vực nào chật chội quá thì không nên”.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất không trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà lồng ghép các giải pháp về thuế vào 2 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật thuế giá trị gia tăng./.