Dự án mở rộng đường Trường Chinh nằm trên vành đai 2 của Hà Nội trị giá hàng nghìn tỷ đồng đang bị đình hoãn. Nguyên nhân do người dân không giao mặt bằng bởi nghi ngờ tuyến đường bị bẻ cong.

Đường Vành đai 2 đoạn Trường Chinh được khởi công vào tháng 10/2013, có tổng mức đầu tư 2.560 tỷ đồng; trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng chiếm 2.022 tỷ đồng. 

Từ ngày khởi công đến nay, chiều từ phía Ngã Tư Sở tới đường Giải Phóng đang được khẩn trương thi công, tôn quây kín, máy móc hoạt động ngày đêm. Tuy nhiên, đến đoạn qua các đơn vị trực thuộc Quân chủng Phòng không Không quân (gần ra đến đường Giải Phóng) chưa có dấu hiệu triển khai dự án. Nguyên nhân là các hộ dân tại đây (tổ dân phố 40, khu tập thể cán bộ cao cấp quân đội, phường Khương Thượng – Đống Đa) liên tục có đơn thư khiếu nại đường bị bẻ cong đột ngột từ phía Nam sang phía Bắc.

VOV.VN đã nhận được nhiều ý kiến liên quan đến số phận của con đường này. Phần lớn các ý kiến gửi đến VOV.VN đều rất bức xúc và không đồng tình với các giải thích và cách làm hiện nay.

uong-cong.jpg
Đoạn đường Trường Chinh bị uốn cong đột ngột làm người dân bức xúc (ảnh: Người lao động)

Ông Nguyễn Thái Hưng nhấn mạnh: “Xin các nhà quy hoạch hãy nhìn lại lịch sử hình thành những con đường thẳng trên thế giới này.  Nếu tất cả các việc lớn của quốc gia (mà thực tế như vậy) lại chiều theo ý của các "nhóm" người có công như vậy thì cuối cùng cái gương mặt của đất nước này sẽ ra thế nào?”. Bạn đọc Nguyễn Thái Hưng bày tỏ ý kiến cho rằng chính các tướng lĩnh, những người có nhà đã đề nghị không bị vi phạm để làm cong đường Trường Chinh sẽ không thể nào yên lòng nhắm mắt khi nhận ra rằng, vì quyền lợi của mình mà hương hồn hàng triệu, hàng triệu những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc đã im lặng chấp nhận”. 

Một bạn đọc khác có tên là Thành viết: “Làm đường chỉ vào có 4 m trong khi đó còn 20 m chiều sâu cơ mà. Nếu làm con đường to hơn thì nhà các bác sẽ đẹp và có giá trị hơn”.

Trong khi đó, bạn Dân Bình lại đưa ra đề nghị lãnh đạo Hà Nội và các bộ, ngành liên quan phải làm theo pháp luật, bảo đảm mọi người bình đẳng trước pháp luật, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Độc giả Người Hà Nội viết: "Khi UBND TP Hà Nội có chủ trương mở rộng đường Trường Chinh, nhằm giữ ổn định đời sống cho tướng lĩnh, những người có đóng góp quan trọng nhất vào việc bảo vệ vùng trời của đất nước. Quân chủng đề nghị UBND TP Hà Nội lấy vào phần đất của quân chủng, hạn chế lấy đất của nhà tướng lĩnh, sỹ qua. Như thế là đã rõ nguyên nhân đường bị bẻ cong.

Theo Người Hà Nội, chúng ta không nên tránh nhà quan chức, tránh nhà tướng mà hãy nghĩ đến đại cục. 

“Tướng lĩnh quân đội đóng góp nhiều cho cách mạng 2 cuộc kháng chiến nên được ưu tiên nắn tuyến cong. Còn người dân không có đóng góp gì trong 2 cuộc kháng chiến chăng?. “Theo tôi, chúng ta tuyệt đối không nên có sự ưu ái không công bằng ấy. Dân thường hầu hết còn khó khăn mưu sinh mà còn phá rỡ được trong khi tướng lĩnh lại không. Như thế thì làm sao mà dân tâm phục được”, bạn Tư nhấn mạnh.

Bạn đọc dodo:“Luật pháp thì nên tuân thủ. Chúng ta vẫn có nhiều cách để đền ơn đáp nghĩa”. Bạn Nguyễn Thế Hải:“Nhà Tướng cũng phải bỏ đi để phục vụ công trình quốc gia”.

Bạn Lê Đức Hiến: “Chúng tôi không đồng ý với cách đặt vấn đề tránh nhà quan chức. Hiện, nhiều anh em cấp tá, là cấp dưới của chúng tôi tuy cùng dãy nhà nhưng sắp bị giải tỏa (khu vực giải tỏa nằm trong đoạn vuốt nối để giảm độ gấp khúc - PV), bản thân tôi và các tướng lĩnh khác đã và đang đứng ra bảo vệ” - Nếu nói về công trạng còn có rất nhiều người đã hy sinh cho đất nước, các anh bộ đội đang còn sống là một điều quá may mắn. Có những gia đinh vì độc lập dân tộc, họ đã mất 8, 9 người thân. Đề thể hệ sau trân trọng thế hệ trước, chúng ta những người yêu nước phải biết hy sinh một chút lợi ích cá nhân. Mọi người đừng vì một chút công lao với đất nước mà nhiều thế hệ sau phải đi trên con đường xấu xí”.

Bạn Trần Quang: “Nếu đã là thiết kế, qui hoạch của nhà nước thì xin cứ thực thi như bản vẽ không nên vì một số hộ mà ưu ái dù người đó là ai. Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm từ cổ tới kim không thiếu gì những người đóng góp cho nhà nước. Biết bao nhiêu gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng người ta còn đang sống khổ cực họ có được cấp đất không hay toàn bỏ tiền ra mua. Xin hãy bỏ ngay chế độ cấp đất, cấp nhà bất kể người đó là ai, quan to hay thường dân”.

Bạn Nguyen Dang: “Ngày xưa xương máu, tính mạng còn không tiếc, bây giờ tiếc vài mét đất?. Các anh mới có một chút công lao đã bắt đất nước nhân dân phải trả ơn như thế là không nên. Chúng ta hãy thể hiện đúng bản chất gốc của con người Việt Nam! Tiếp tục hy sinh, cống hiến, xứng đáng là bộ đội cụ Hồ, cụ Giáp”.

Bạn Thanh Thanh: “Đất đai là tài sản quốc gia, cả dân tộc đã hy sinh để giữ gìn đất đai, nay cứ tự ý mà chia hết cho "người có công" thì chẳng còn là tài sản quốc gia nữa. Sao chúng ta không hỏi xem còn bao gia đình đã hy sinh vì đất nước nay họ được gì? Những đặc quyền đặc lợi trong xã hội ta cần được xóa bỏ”./.