Lần đầu tiên trong vòng một năm qua, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất cơ bản. Bước đi này không nằm ngoài những dự đoán của giới phân tích do kinh tế Mỹ đang hồi phục nhanh và thất nghiệp giảm mạnh.

lai_suat_fed_kndv.jpg
Fed quyết định tăng lãi suất sau một năm không đổi
Quyết định của FED có thể được coi là một tín hiệu khả quan, cho thấy các điều kiện tài chính của nền kinh tế đầu tàu thế giới đã ổn định sau cuộc suy thoái 2007-2008. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định động thái nâng lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ sẽ gây áp lực cho các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là các nền kinh tế mà vay mượn quá nhiều bằng đồng bạc xanh.Kết thúc cuộc họp kéo dài trong 2 ngày 13-14/12 vừa qua, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED, công bố quyết định nâng biên độ lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm, từ 0,25%-0,5% lên 0,5%-0,75%, dựa trên đánh giá các điều kiện thị trường lao động và lạm phát.Đây cũng là lần duy nhất FED tăng lãi suất trong năm 2016. FED đánh giá các nguy cơ trong ngắn hạn đối với triển vọng của nền kinh tế Mỹ đã "ổn định", song vẫn cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ các chỉ dấu về lạm phát cũng như những diễn biến tài chính và kinh tế toàn cầu.Cách đây đúng một năm, vào tháng 12/2015, FED cũng đã có lần điều chỉnh tăng lãi suất lần đầu tiên trong vòng 8 năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng trì trệ của nền kinh tế Mỹ kể từ đầu năm 2016 và tỷ lệ lạm phát thấp đã khiến mọi quyết định của các nhà hoạch định chính sách của FED đều trở nên thận trọng. FED đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp gần như bằng 0% trong 7 cuộc họp trước đó trong năm nay.Sự kiện ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất được cho là điều tất yếu do các điều kiện chủ quan của nền kinh tế. Điều cần bàn là tác động của quyết định này đối với phần còn lại của thế giới khi cùng với đó là tiếp thêm động lực cho đồng USD tăng giá.Theo giới chuyên gia, việc FED nâng lãi suất có nguy cơ trở thành áp lực đối với các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi do những tác động từ việc đồng đôla lên giá so với các ngoại tệ khác.Hiện đồng USD vẫn là ngoại tệ phổ biến nhất vì được sử dụng trong hơn 85% nghiệp vụ giao dịch ngoại hối trên thế giới, 39% các khoản nợ toàn cầu được yết giá bằng USD và đồng bạc xanh chiếm hơn 63% dự trữ ngoại tệ của các nước.Trước đó, các chuyên gia cảnh báo trong trường hợp FED nâng lãi suất, thế giới sẽ thiếu USD và nền kinh tế sẽ suy giảm tính thanh khoản. Các quốc gia khác sẽ gặp phải những rủi ro khác nhau liên quan đến việc USD tăng giá, tùy thuộc hoàn cảnh từng nước căn cứ trên các yếu tố như dự trữ ngoại tệ, nợ công bằng USD, cán cân tài khoản vãng lai, tổng sản lượng của từng nước.Hiện tại, những quốc gia gánh nhiều rủi ro nhất từ đồng USD mạnh là những nước đang có những món nợ lớn tính bằng đồng USD. Ngoài ra, Trung Quốc cũng bị đẩy vào thế khó. Trong suốt 18 tháng qua, đồng Nhân dân tệ (NDT) đã mất giá so với đồng USD, dẫn đến tình trạng thoái vốn ồ ạt.Điều này có nguy cơ trở thành một tiến trình rối loạn và Trung Quốc đã phải chi một lượng khá lớn dự trữ ngoại tệ để kiểm soát tình hình. Kho dự trữ của nước này hiện là 3.100 tỷ USD, một con số vẫn được coi là "khổng lồ", song giảm 25% so với năm 2014. Đồng USD mạnh sẽ gây áp lực hơn nữa lên Bắc Kinh.Động thái mới nhất của FED là tín hiệu mở đường cho những lần tăng lãi suất tiếp theo vào năm sau. Các quan chức FED cho biết họ dự kiến sẽ tiến hành 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2017, thay vì chỉ 2 lần như dự đoán trước đây.Trước diễn biến mới song không gây bất ngờ này, điều quan trọng là ngân hàng trung ương các nước cần tiếp tục có những điều chỉnh chính sách để phù hợp với những cam kết của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump về cắt giảm thuế, tăng cường chi tiêu vào cơ sở hạ tầng và bãi bỏ một số quy định nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ./.