Theo ông Diêu Cảnh Nguyên, chuyên gia kinh tế, thành viên nghiên cứu cấp cao của Chính phủ Trung Quốc, đây là một xu hướng bình thường và sẽ không làm thay đổi xu hướng chung về sự phục hồi ổn định của nền kinh tế Trung Quốc.
Ông Diêu dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay của Trung Quốc sẽ duy trì ở mức 8% trở lên. Và với tốc độ này, Trung Quốc có thể giữ cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân hoạt động trong một biên độ hợp lý, do đó không cần quá chú ý về sự thay đổi của một số con số dự báo tăng trưởng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được thúc đẩy dựa trên các yếu tố sự đổi mới, phát triển xanh, phát triển phối hợp, cũng như cảm giác hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Chính những yếu tố này hỗ trợ cho nền kinh tế Trung Quốc không những duy trì được tốc độ tăng trưởng khá nhanh mà còn duy trì được đà phát triển với chất lượng cao.
Chuyên gia kinh tế Diêu Cảnh Nguyên cũng thừa nhận sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc nửa cuối năm sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, Chính phủ Trung Quốc cần tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sản xuất; tiếp tục bù đắp những thiếu sót trong chuỗi sản xuất và cung ứng để đảm bảo tốc độ tăng trưởng ổn định; tiếp tục thực hiện công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh ổn định kỳ vọng tiêu dùng.
Gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số tổ chức tài chính quốc tế đã hạ kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, chẳng hạn như tổ chức tài chính Nomura (Nhật Bản) hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ 8,9% xuống 8,2%, hãng JPMorgan Chase từ 9,1% xuống 8,9% và ngân hàng Goldman Sachs từ 8,6% xuống 8,2%.
Số liệu chính thức được Trung Quốc công bố vào hồi 16/8 cho thấy, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tháng 7/2021 tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, song lại thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó. Trong khi đó, doanh số bán lẻ trong tháng 7 chỉ tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức dự báo tăng 11,5% và giảm mạnh so với mức tăng 12,1% của tháng trước đó. Ngoài ra, một số chỉ số khác cũng giảm so với mức được dự báo.
Nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch xảy ra nhờ hoạt động xuất khẩu tăng mạnh, tuy nhiên sự tăng trưởng này đang dần giảm xuống khi các doanh nghiệp chịu tác động bởi giá nhiên liệu thô tăng, cũng như sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng toàn cầu./.