Sản lượng kinh tế thế giới sẽ lần đầu tiên đạt mốc 100.000 tỷ USD vào năm 2022, sớm hơn 2 năm so với dự báo trước đó, Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian hơn để vượt Mỹ trở thành nền kinh tế số 1. Đây là thông tin mới nhất trong dự báo của Trung tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh Anh (CEBR), đưa ra hôm 25/12 với khẳng định, cách các nền kinh tế trên thế giới đối phó với lạm phát sẽ tác động lớn đến bức tranh kinh tế thế giới trong những năm tới.
Báo cáo của CEBR cũng cho thấy, Đức đang trên đà vượt qua Nhật Bản về sản lượng kinh tế vào năm 2033. Nga có thể trở thành nền kinh tế trong top 10 thế giới vào năm 2036. Trong khi đó, Indonesia đang trên đà giành vị trí thứ 9 vào năm 2034. Theo báo cáo, Trung Quốc cũng được dự đoán sẽ trở thành nền kinh tế đứng đầu thế giới vào năm 2030, muộn hơn 2 năm so với dự đoán trước đó.
Trước đó, báo cáo của Tập đoàn tư vấn quản lý McKinsey&Co cho thấy, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành quốc gia giàu nhất thế giới vào năm 2020. Tuy nhiên, việc giá trị tài sản ròng tăng cao phần lớn xuất phát từ giá bất động sản tăng chóng mặt đặt ra nguy cơ khủng hoảng tài chính và phát triển không bền vững.
Chuyên gia Simon Baptist-Cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu (EIU) cho rằng, Trung Quốc có thể phải mất hàng chục năm nữa mới có thể theo kịp Mỹ về mức độ giàu có tính theo GDP trên đầu người.
“Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc có thể đạt được mức GDP trên đầu người, hay nói cách khác là mức độ giầu có ngang bằng với Mỹ trong vòng 50 năm tới. Tôi nghĩ rằng Mỹ sẽ vẫn là quốc gia giàu có về thực chất hơn rất nhiều so với Trung Quốc”, Chuyên gia Simon Baptist nhận định.
Đối với bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2022, CEBR nhận định, tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu sẽ được nâng lên nhờ sự phục hồi từ đại dịch, mặc dù nếu lạm phát vẫn tiếp diễn sẽ có nguy cơ đẩy các nền kinh tế rơi vào suy thoái. Theo nhóm nghiên cứu, vấn đề quan trọng là cách các nền kinh tế thế giới đối phó với lạm phát. Nếu không, thế giới sẽ phải gồng mình chống chọi với suy thoái vào năm 2023 hoặc năm 2024 .
Cùng mối lo chung về vấn đề lạm phát tác động đến bức tranh kinh tế toàn cầu, Tổng giám đốc Tổ chức và hợp tác phát triển kinh tế OECD Mathias Cormann cho rằng, lạm phát tăng đột biến là rủi ro chính đối với một triển vọng lạc quan của nền kinh tế toàn cầu năm 2022.
“Mặc dù chúng ta dự đoán áp lực lạm phát sẽ bắt đầu giảm dần trong năm mới, nhưng chúng ta không được quên rằng chính người tiêu dùng sẽ phải chịu chi phí nếu tình trạng thiếu hụt vẫn tiếp diễn và giá cả vẫn ở mức cao”, Mathias Cormann bày tỏ.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất, OECD cho rằng, tăng trưởng toàn cầu dự kiến đạt 5,6% trong năm 2021 trước khi giảm xuống 4,5% vào năm 2022 và 3,2% vào năm 2023. Một rủi ro khác đó là tác động của đại dịch Covid-19 với sự xuất hiện của biến thể Omicron làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân bằng và đe dọa sự phục hồi.
Theo OECD, giữ cho đà phục hồi mạnh mẽ và đi đúng hướng sẽ giải quyết được tình trạng mất cân bằng. Để làm được điều này, các nước cần quản lý tốt hơn cuộc khủng hoảng y tế thông qua sự phối hợp quốc tế tốt hơn, cải thiện hệ thống y tế và đẩy mạnh các chương trình tiêm chủng trên toàn thế giới./.