Thông tin về các dự án đầu tư có kinh phí hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng được đưa ra không hợp thời, không hợp lòng dân ở các địa phương thời gian qua đã gây bức xúc dư luận.

Tình trạng đua nhau vẽ dự án đầu tư để xin tiền Trung ương hoặc nấp dưới chủ trương xã hội hóa nhằm có công trình bằng mọi giá đang khiến người ta nghĩ đến một kiểu tư duy… ở trên trời của lãnh đạo các địa phương này. Hậu quả là làm phân tán nguồn lực quốc gia, gây nghi hoặc, bất bình trong cán bộ nhân dân.

“Lãng phí nhiều nhất là từ chủ trương đầu tư. Thủ tướng Chính phủ đã từng rất bức xúc về những con đường ở miền núi rộng 60 -70 mét. Chủ tịch tỉnh không biết trong túi có bao nhiêu tiền, cứ làm cho hoành tráng, thiếu tiền thì xin Trung ương. Nhiều nơi cứ vẽ ra dự án, sau đó đi chạy”. Đó là phát biểu của Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh tại một kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cách đây 2 năm, khi trả lời chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về công tác quản lý đầu tư công, chống tham nhũng lãng phí. 

san_golf_o_quang_binh_1439424328_ngyt.jpg
Quảng Bình đang "vẽ" dự án 10 sân golf, mỗi sân 18 lỗ, trên diện tích 1.000 ha đất. (Ảnh: TTO)
Tưởng rằng sau những lời cảnh báo mạnh mẽ như vậy, lãnh đạo các địa phương sẽ ý thức hơn trước khi chỉ đạo lập dự án và hạ bút phê duyệt các dự án đầu tư. Tuy nhiên, từ chuyện xây dựng Văn miếu gần 300 tỉ đồng ở Vĩnh Phúc; Văn miếu ở Hà Tĩnh ngót nghét trăm tỉ đồng đến chuyện sân vận động, nhà hát ở huyện Đan Phượng (Hà Nội) kinh phí khoảng 200 tỉ đồng bỏ dở dang; rồi mới đây là Dự án tượng đài - quảng trường của tỉnh Sơn La với kinh phí 1.400 tỉ đồng gây sốt trong dư luận, rồi Hà Tĩnh muốn xây dựng Trung tâm hành chính 1.500 tỉ đồng, Quảng Bình định xây dựng 10 sân golf, mỗi sân 18 lỗ, trên diện tích 1.000 ha đất… đã khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng có một cuộc chạy đua giữa các địa phương trong việc lập dự án để có công trình mang dấu ấn lãnh đạo?    

Để tăng tính thuyết phục của dự án, các địa phương đưa ra những viễn cảnh rất hấp dẫn như: “Đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa của người dân, giáo dục truyền thống, tạo bộ mặt hiện đại cho không gian kiến trúc đô thị và cuối cùng là thu hút khách, phát triển du lịch…”. 

Nhưng thử hỏi, khách du lịch nào sẽ vào Văn Miếu ở Vĩnh Phúc, khi nó cũng na ná như Văn Miếu Hà Nội, mà lại mỏng manh về ý nghĩa văn hóa, lịch sử, lại chỉ mang tầm địa phương! Sơn La mơ gì về khả năng thu hút khách du lịch của công trình Quảng trường và Tượng đài Bác Hồ, khi tiềm năng du lịch của Công trình thủy điện Sơn La, cao nguyên Mộc Châu… vẫn chưa được khai thác hết!  

Trong 2 triệu khách du lịch đến Quảng Bình từ đầu năm đến nay, chỉ có 40.000 khách quốc tế, chiếm 2,5%. Thử hỏi, Quảng Bình kỳ vọng gì về nguồn thu từ dòng khách này, đặc biệt là từ khách chơi golf!?

Thế nhưng, trả lời báo chí về dự án 10 sân golf của Quảng Bình, lãnh đạo tỉnh này vẫn khẳng định: “Sẽ thu hút các golf thủ khắp thế giới đến Quảng Bình. Thay vì họ phải bỏ tiền của, thời gian đi khắp thế giới để được chơi những sân golf đẳng cấp, thì họ chỉ cần đến một điểm như Quảng Bình là có thể được chơi nhiều sân. Tiết kiệm tiền bạc, thời gian đi lại”.

Liệu đây có là một sự lạc quan tếu không, khi golf là môn thể thao quý tộc. Nhiều sân golf trong số khoảng 90 sân golf của cả nước vẫn đang vắng khách. Lấy đâu ra đủ số golf thủ thừa tiền và thừa thời gian để 10 sân golf kia của Quảng Bình khỏi cảnh đìu hiu!?

Ngoài những viễn cảnh hết sức tốt đẹp về công năng của các công trình cố tình vẽ ra, để tăng tính thuyết phục, các dự án thường rất lập lờ về kinh phí gồm: “Ngân sách trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác, vốn xã hội hóa, vốn doanh nghiệp….”

Nhưng tiền nào chẳng là tiền. Dù là Ngân sách Trung ương, địa phương, hay do doanh nghiệp đóng góp thì đều là tiền của quốc gia. Có ai chắc rằng, khi đã nhận tiền đóng góp của doanh nghiệp, địa phương lại không phải ưu ái cho họ dự án nọ, miếng đất kia! Đất nước còn khó khăn. Lãng phí đầu tư là lãng phí kép. Bởi số tiền chi không đúng chỗ, không đúng cách ấy đã tước mất cơ hội để chúng ta có những công trình dự án thiết thực, đẻ ra tiền cho quốc gia.

Tình trạng vẽ dự án hoành tráng của một số địa phương cho thấy, vấn đề không còn ở tầm nhìn của người lãnh đạo nữa, mà là hậu quả của tính cục bộ, tư duy theo kiểu… ở trên trời của một số cán bộ lãnh đạo. Kiểu tư duy này không những gây lãng phí nguồn lực quốc gia mà còn bị dư luận phản ứng gay gắt, gây nghi ngờ, làm mất niềm tin của người dân đối với hình ảnh của lãnh đạo và chính quyền các địa phương đó./.