Tiếp tục phần chất vấn Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) phản ánh: Hiện nay, tổng số 24 nhà máy xi măng có 23 nhà máy do nước ngoài làm tổng thầu, trong đó, các nhà máy do Trung Quốc làm tổng thầu phần lớn tỷ lệ nội địa hóa bằng 0 hoặc không lớn hơn 3%. Trong khi đó, các nhà máy do nhà thầu cung cấp từ các nước G7 thì tỷ lệ nội địa hóa đạt xấp xỉ 25%.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, điều đáng quan tâm là về mặt kỹ thuật, Việt Nam hoàn toàn có thể thiết kế, chế tạo được 40% giá trị thiết bị các nhà máy này. “Vừa qua, Bộ trưởng cũng ghi nhận về mặt kỹ thuật chúng ta có thể làm được điều đó. Trong 20 dự án nhiệt điện đã đầu tư thì tỷ lệ nội địa hóa gần như bằng 0 tại 15 dự án do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu. Trong khi đó, những dự án do Việt Nam làm tổng thầu tỷ lệ nội địa hóa đạt 25%. Xin Bộ trưởng cho biết, tại sao như vậy, có phải do sự chỉ đạo thiếu quyết liệt của Bộ hay không và giải pháp khắc phục là gì?” – đại biểu chất vấn.
Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói: “Lĩnh vực xi măng chúng tôi không phụ trách. Các đồng chí ở Bộ Xây dựng sẽ thông tin thêm”.
Còn với các nhà máy nhiệt điện, theo phản ánh của đại biểu tỷ lệ nội địa hóa nhỏ. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận thực tế này và giải thích: Trước hết, tất cả nhà máy nhiệt điện công suất lớn đã và đang xây dựng phần lớn đều sử dụng hình thức nhà thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công rồi sau đó bàn giao cho chúng ta vận hành). Chính vì vậy, trong tổng thầu EPC, phần lớn công việc liên quan đến máy móc, thiết bị do nhà tổng thầu đảm nhận.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận một thực tế, trong số các máy móc, thiết bị này, kể cả các kết cấu kim loại DN trong nước có điều kiện làm được nhưng trên thực tế, sự tham gia của DN Việt Nam rất ít.
Nhận thức rõ sự cần thiết trong việc vừa tạo điều kiện cho DN trong nước tham gia được vào các công trình công nghiệp, tạo điều kiện giải quyết thu nhập, việc làm cho công nhân và quan trọng để từng bước góp phần cho DN trong nước nâng cao năng lực sản xuất, chế tạo của mình, trong không ít văn bản Chính phủ chỉ đạo các chủ đầu tư khi lập hồ sơ mời thầu những dự án này cần phải tách bạch những gói thầu mà DN trong nước có thể làm được khỏi các gói thầu do nhà đầu tư nước ngoài đảm nhận. Trong yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng, trong khá nhiều văn bản đều nêu rõ chủ trương này.
“Rất tiếc, có chủ trương rất rõ ràng, nhưng trong khá nhiều trường hợp, do nhiều lý do, các chủ đầu tư của chúng ta không thực hiện được việc tách các gói thầu này ra. Cho nên, trên thực tế vẫn nằm trong gói thầu của tổng thầu EPC do nhà đầu tư nước ngoài triển khai” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.
Về các giải pháp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Chính phủ cũng giao Bộ Công thương phối hợp với Bộ KH-CN và một số bộ, ngành liên quan thường xuyên xây dựng, ban hành danh mục máy móc, thiết bị chúng ta có thể sản xuất để khuyến cáo các chủ đầu tư sử dụng những máy móc, nguyên liệu này. Định kỳ, chúng tôi công bố danh mục và phổ biến rộng rãi đến các địa phương, các DN. Chúng tôi còn đề nghị Chủ tịch UBND các địa phương trao đổi, khuyến nghị các chủ đầu tư ngoài quốc doanh, khi đầu tư các công trình lưu ý việc này. Về mặt quản lý Nhà nước đã làm như vậy nhưng thực tế hiệu quả chưa cao.
Đồng thời, Chính phủ cũng có những giải pháp cụ thể như dự án điện, hiện đang giao ngành điện, cơ khí trong nước… tập trung thử nghiệm chế tạo máy phát công suất 600 MW, sẽ áp dụng ở nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lưu và Quảng Trạch (Quảng Bình). Hiện các DN, tổ hợp trong nước đang triển khai dự án thử nghiệm này. Nếu làm được sẽ mở ra con đường nội địa hóa ngày càng cao phần đầu tư các nhà máy nhiệt điện.
Tiếp tục chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết về việc người dân tự nghiên cứu, chế tạo một số máy móc, công cụ, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, có chính sách hỗ trợ gì để khuyến khích, động viên sự sáng tạo của người dân?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng hoan nghênh những sáng tạo này. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, phần lớn các máy móc này là cải tiến, lắp ráp, tổng thành trên cơ sở các linh kiện đã có. Mức độ sản xuất đơn chiếc, chưa có điều kiện sản xuất hàng loạt. “Nhưng dù sao đây là những cá nhân rất đáng được động viên, khuyến khích. Tôi không biết Bộ KHCN có cơ chế khuyến khích các đối tượng này như thế nào, còn chúng tôi hết sức hoan nghênh và sẽ có kiến nghị Bộ KHCN kịp thời khen thưởng, động viên những người nông dân, bằng trí tuệ, tâm huyết đã làm ra sản phẩm này./.