Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng vừa có văn bản trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đầu tư, quản lý, khai thác các Khu quản lý vận hành tại các Dự án của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).
Theo Bộ Công thương, đặc thù của các dự án nhiệt điện là do yêu cầu về môi trường và điều kiện vận chuyển, cung cấp các loại nhiên liệu (than, khí) cần phải có cảng lớn chuyên dùng, nên phần lớn các dự án đều được khảo sát, quyết định đầu tư tại các địa bàn khó khăn, xa khu dân cư, đô thị.
Vì vậy, để đảm bảo cho việc quản lý vận hành, sửa chữa các nhà máy, kịp thời và hiệu quả, thì việc cần có khu nhà ở, sinh hoạt tập trung cho lực lượng cán bộ, kỹ sư, công nhân viên ở gần khu vực nhà máy là bắt buộc, nhất là trong trường hợp khi xảy ra sự cố cần ứng cứu kịp thời.
Ngoài ra, việc vận hành các nhà máy điện đều có yếu tố độc hại và căng thẳng nên việc xây dựng các hạ tầng thể thao, giải trí kèm theo tại khu quản lý vận hành nhằm thu hút được lực lượng lao động có trình độ cao tới làm việc và giúp người công nhân vận hành đảm bảo có đủ sức khỏe và tinh thần để yên tâm duy trì khả năng làm việc... cũng là điều cần thiết.
Hơn nữa, tại một số dự án, do trong giai đoạn xây dựng và đưa vào vận hành thời gian đầu, có nhiều chuyên gia nước ngoài tham gia, nên các công trình này đầu tiên là để phục vụ cho người nước ngoài, sau đó mới được chuyển giao cho Chủ đầu tư Việt Nam sử dụng.
Về nguyên tắc, việc các hạng mục công trình được phê duyệt trong tổng mức đầu tư của các dự án (trong nội dung Quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền) là nhằm đảm bảo yêu cầu xác định được đầy đủ các khoản mục chi phí đầu tư cần thiết để có thể hoàn thành việc xây dựng một dự án nguồn điện khi lập dự án đầu tư.
Giá trị tổng chi phí cho đầu tư cũng được đưa vào phân tích đánh giá hiệu quả kinh tế tài chính đối với từng dự án để qua đó có thể chứng minh được đây là phương án có chi phí thấp và hợp lý so với phương án phải chi trả cho lực lượng lao động ở xa nhà máy và phải di chuyển để làm việc hàng ngày trong suốt đời dự án. Còn sau đó, khi chuyển sang giai đoạn thực hiện đầu tư và nhất là ở giai đoạn thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư hoàn thành, từng khoản chi phí sẽ được phê duyệt hạch toán theo đúng quy định về nguồn vốn và mục đích đầu tư.
Theo kiểm tra thực tế ban đầu tại một số dự án của Bộ Công Thương và theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tình hình hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện các chi phí liên quan đến khu nhà ở cán bộ công nhân quản lý vận hành và sửa chữa năm 2011 đối với các dự án Thanh tra Chính phủ nêu như sau:
Đối với Dự án Nghi Sơn 1 (có hạng mục sân tennis, không có bể bơi), trong năm 2011 dự án chưa đưa vào vận hành nên chi phí liên quan đến khu nhà ở cán bộ công nhân quản lý vận hành và sửa chữa chưa có trong giá thành sản xuất kinh doanh điện.
Đối với Dự án Phú Mỹ 1 (không có hạng mục bể bơi, sân tennis), chi phí liên quan đến khu nhà ở cán bộ công nhân viên đã đưa vào giá thành sản xuất kinh doanh điện từ năm 2006 (khoảng 1,3 - 3,7 tỷ đồng/năm) do nhu cầu thực tế của dự án cần có khu nhà ở cho cán bộ, công nhân quản lý vận hành và sửa chữa để đáp ứng việc xử lý sự cố kịp thời đảm bảo quá trình vận hành thường xuyên của nhà máy điện. Ngoài ra, tại thời điểm xây dựng, Dự án ở xa khu dân cư nên cần phải có khu nhà ở tại khu vực Dự án cho chuyên gia nước ngoài xây dựng nhà máy điện. Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thực tế đối với dự án này.
Đối với Dự án nhiệt điện Quảng Ninh 1 (không có hạng mục bể bơi, sân tennis, biệt thự), khu nhà ở cán bộ công nhân quản lý vận hành và sửa chữa chưa đưa vào sử dụng trong năm 2011 nên chi phí liên quan đến khu nhà ở cán bộ công nhân viên không đưa vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2011.
Đối với Dự án nhiệt điện Hải Phòng 1 (không có hạng mục bể bơi, sân tennis, biệt thự), không có khoản chi phí liên quan đến khu nhà ở cán bộ công nhân viên trong giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2011.
Đối với Dự án nhiệt điện Phú Mỹ 4 (không có hạng mục bể bơi, sân tennis), khu nhà ở cán bộ công nhân quản lý vận hành và sửa chữa chưa đưa vào sử dụng trong năm 2011 nên chi phí liên quan đến khu nhà ở cán bộ công nhân viên không đưa vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2011.
Đối với Dự án nhiệt điện Ô Môn 1 (có bể bơi và sân tennis), khu nhà ở cán bộ công nhân quản lý vận hành và sửa chữa chưa đưa vào sử dụng trong năm 2011 nên chi phí liên quan đến khu nhà ở cán bộ công nhân viên không đưa vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2011.
Như vậy, trong 6 Dự án mà Thanh tra Chính phủ đã nêu, chỉ có 1 Dự án là Ô Môn 1 trong hạng mục khu nhà ở có xây dựng bể bơi, sân tennis, nhưng đây là Dự án do Chính phủ Nhật cho vay ưu đãi, có chuyên gia nước ngoài nên ở giai đoạn đầu, việc xây dựng cơ sở thể thao phục vụ cho người nước ngoài là cần thiết, nhất là trong điều kiện địa điểm Dự án ở xa nội thành thành phố Cần Thơ. Và trong 6 Dự án, đến nay mới duy nhất có Dự án Phú Mỹ 1 là đưa chi phí khu nhà ở vào giá thành sản xuất (nhưng cũng chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng doanh thu, chỉ 1,3 - 3,7 tỷ đồng một năm).
Tại Công văn số 442/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng rà soát chi phí xây dựng khu nhà ở, quản lý vận hành của ngành điện (trong đó có 6 dự án nguồn điện nêu trên) cũng như đối với các Nhà máy, Khu công nghiệp khác; có hướng dẫn cụ thể và phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2 năm 2014.
Ngày 08 tháng 01 năm 2014, Bộ Công Thương đã có văn bản số 153/BCT-ĐTĐL yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiêm túc thực hiện các ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 442/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ. Ngày 24 tháng 01 năm 2014, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có văn bản số 300/EVN-TCKT báo cáo Bộ Công Thương về vấn đề nêu trên.
Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 442/TB-VPCP và kết luận của Thanh tra Chính phủ tại văn bản số 2181/KL-TTCP đồng thời chỉ đạo các đơn vị các đơn vị thành viên kiểm điểm rút kinh nghiệm các tồn tại, khuyết điểm để kịp thời có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh.
Về chi phí "Khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa", thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 442/TB-VPCP, Bộ Tài chính đã dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý khoản chi phí xây dựng khu nhà ở, nhà quản lý vận hành tại các dự án điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và có Văn bản số 2500/BTC-TCDN gửi Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng về việc tham gia ý kiến đối với nội dung tại dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ của Bộ Tài chính. Ngày 19 tháng 3 năm 2014, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 2105/BCT-ĐTĐL gửi Bộ Tài chính về việc tham gia ý kiến góp ý đối với nội dung trên. Hiện nay, Bộ Tài chính đang hoàn chỉnh dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề trên./.