Truyền thông Trung Quốc cho rằng, với tỷ lệ trong dự trữ ngoại hối toàn cầu chiếm 2,88%, tương đương với quý I/2022, đồng nhân dân tệ tiếp tục duy trì mức dự trữ cao nhất kể từ khi dữ liệu được công bố lần đầu vào năm 2016.

Thị phần toàn cầu 2,88% đồng nghĩa với tỷ lệ dự trữ của đồng nhân dân tệ trong ngoại hối toàn cầu đã tăng 1,8 điểm phần trăm so với 1/10/2016, khi đồng tiền này được IMF chính thức chấp thuận đưa vào rổ tiền tệ Quyền rút vốn đặc biệt SDR với tư cách là đồng tiền thứ năm. Tỷ lệ này trong quý 3 và quý 4/2021 là 2,68% và 2,8%.

Trước đó, hôm 1/8, quyết định nâng tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trong rổ tiền tệ quốc tế từ mức 10,92% lên 12,28% của IMF trong lần xem xét định kỳ hồi tháng 5 đã có hiệu lực. Đây là một động thái cho thấy việc sử dụng đồng tiền Trung Quốc sẽ được mở rộng và đồng tiền này sẽ đóng một vai trò lớn hơn trên thế giới trong tương lai.

Cũng theo dữ liệu của IMF, đồng đô la Mỹ vẫn là đồng tiền lớn nhất trong dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương, chiếm tới 56,53%; tiếp theo là đồng euro, chiếm 19,77%; đồng yên Nhật chiếm 5,18% và đồng bảng Anh chiếm 4,88%.

Trong khi đó, theo Báo cáo quốc tế hóa nhân dân tệ năm 2022 do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố mới đây, tỷ trọng thanh toán quốc tế bằng nhân dân tệ đã vượt đồng yên Nhật, trở thành đồng tiền thanh toán lớn thứ 4 thế giới.

Báo cáo dẫn số liệu của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) cho thấy, tỷ trọng thanh toán quốc tế bằng nhân dân tệ đã tăng lên 2,7% vào tháng 12/2021, vượt qua đồng yên Nhật và tiếp tục tăng lên 3,2% vào tháng 1/2022, mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Ba đồng tiền đứng trên nhân dân tệ là USD, đồng Euro và đồng bảng Anh./.