Lâu nay, ở Đồng Nai cây gấc vốn chỉ được trồng lẻ tẻ trong vườn nhà và không có giá trị kinh tế. Hiện nay, loại cây này đang cho thu nhập rất lớn, khiến nhiều nông dân đang có ý định đầu tư trồng. Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn e ngại nếu phong trào trồng gấc nở rộ toàn tỉnh thì liệu có xảy ra tình trạng được mùa rớt giá như những cây trồng khác?
Chị Trần Thị Nhung ở xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai có 3 ha gấc khoảng 3 năm tuổi. Thời gian gần đây, gia đình chị đón tiếp nhiều đoàn nông dân đến tham quan vườn gấc, cũng như tìm hiểu qui trình trồng. Bởi, từ một loại cây gần như chủ yếu mọc hoang dại, cây gấc đã được gia đình chị gây giống và trồng bằng giàn một cách bài bản. Đáng nói hơn, hiện 3 ha gấc này mỗi năm cho gia đình một khoản lợi nhuận trên 600 triệu đồng.
Trên thực tế, khoảng 1 năm trở lại đây, từ khi có Công ty chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam chuyên sản xuất thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ trái gấc đến đặt vấn đề thu mua thì gia đình chị Nhung mới có được khoản lợi nhuận trên. Hiện nay, Công ty này đang mở rộng nguồn nguyên liệu bằng cách khuyến khích người dân ở khu vực phía Nam, trong đó có Đồng Nai chuyển sang trồng gấc để bán trái tươi.
Ông Nguyễn Châu Thành, đại diện Công ty chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam cho biết: “Chúng tôi sẽ bao tiêu cho bà con, công ty sẽ ký hợp đồng 3 năm 1 lần, biên độ dao dộng giá sẽ thay đổi tùy tình hình. Trong vòng bán kính 50 km, chúng tôi sẽ đặt một nơi thu mua, sau đó họ thu trái tươi của nông dân, sơ chế rồi cung cấp sản phẩm cho công ty trong này”.
Theo tìm hiểu, hiện nay, Công ty chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam đã vận động được nhiều nông dân ở Long Thành, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc trồng gấc với diện tích gần 30 ha.
Để khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng gấc, công ty này cho biết, họ sẽ kí hợp đồng bao tiêu hết sản phẩm trồng ra. Tuy nhiên, khi được đặt vấn đề về giá cả, người đại diện công ty cũng chưa đưa ra được mức giá cụ thể.
Trước tình hình trên, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai đã gặp gỡ trực tiếp với đại diện của Công ty chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam và đề nghị: công ty cần phải có cam kết bao tiêu, giá cả rõ ràng trong hợp đồng và phải được ràng buộc bằng pháp lí.
Số tiền trên 50 triệu đồng bỏ ra để đầu tư trồng 1 ha gấc năm đầu tiên không phải là ít, vì vậy công ty nên cho nông dân vay số tiền này và trả dần bằng sản phẩm trong vòng 10 năm, để bảo đảm công ty sẽ phải chịu trách nhiệm khi xảy ra tình trạng cung vượt cầu – thực trạng mà nông dân Đồng Nai đã nhiều lần hứng chịu thiệt hại đối với nhiều loại cây trồng khác./.