Là một xã mới thành lập, thuộc diện đặc biệt khó khăn, có phần lớn dân cư là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng nhờ phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, đẩy mạnh các phong trào tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo, đời sống kinh tế của bà con xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đã không ngừng đổi mới, vươn lên từng ngày. Và cuối năm 2018 vừa qua, Đa Quyn chính thức được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Vì vậy, Tết năm nay, đồng bào dân tộc thiếu số nơi đây đã đón mừng một cái tết no đủ và sung túc trong niềm hân hoan mới.

Có lẽ năm nay là cái tết đầu tiên mà gia đình ông Y Păm Ayũn (ở thôn Chơ Rung, xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) tổ chức vui xuân đầy đủ, no ấm và rộn ràng hơn cả. Vụ rau xanh cung ứng cho thị trường tết này gia đình đã trúng lớn, trừ chi phí sản xuất thì gia đình đã thu lãi 100 triệu đồng. Ông Ayũn cho biết, có được kết quả này là nhờ gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi 3 sào cà phê già cỗi sang trồng rau củ quả các loại trong nhà kính - nhà lưới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, cộng với nguồn thu được tích lũy cả năm từ chăn nuôi bò và 3 hecta cà phê đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Kinh tế phát triển khá nên tết nhất đã được gia đình tổ chức chu đáo và vui vẻ hơn.

vov_xuan_ve_tren_xa_ngheo_vua_can_dich_ntm_da_quyn_qekm.jpg
Đồng bào thiểu số Đa Quyn (Lâm Đồng) thoát nghèo nhờ chuyển đổi cây trồng, tăng gia sản xuất

“Hoàn cảnh của gia đình trước đây rất khó khăn, qua chương xây dựng nông thôn mới, các chủ trương của xã đã đến được với bà con, cũng từ đó gia đình mạnh dạn chuyển sang làm rau màu, kinh tế có kết quả, đời sống hiện tại khá hơn rất nhiều. Thấy có kết quả thì mình lại vận động bà con trong thôn làm theo. Hiện tại trong thôn Chơ Rung đã có từ 25-30 hộ thực hiện mô hình sản xuất rau màu. Nhờ thay đổi được phương thức canh tác lạc hậu, chuyển sang làm theo phương thức mới nên cuộc sống kinh tế đã đổi thay, phát triển nâng cao hơn”, ông Y Păm Ayũn chia sẻ.

Theo chị Ka Sắ K’uy (ở thôn Chơ Ré, xã Đa Quyn), đời sống của người dân nơi đây bắt đầu phát triển đi lên rỗ rệt là từ năm 2011, khi mà phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới chính thức được phát động. Từ chỗ đổi thay nhận thức trong cách nghĩ, cách làm theo hướng tiến bộ, bà con đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, học hỏi phương thức canh tác, chủ động tăng gia sản xuất và vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống. Riêng gia đình mình, tuy là hộ thuộc diện giãn dân theo chương trình định canh định cư, nhưng nhờ được sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của Đảng và Nhà nước trong tổ chức sản xuất và đời sống, giờ đây kinh tế của gia đình đã được ổn định và vươn lên xây dựng cuộc sống mới cùng với buôn làng.

“Lúc vừa vào đây thì đời sống kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ Đảng và Nhà nước hỗ trợ vốn, giống, rồi mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nên cuộc sống kinh tế gia đình hiện đã ổn định và không ngừng được nâng lên. Đặc biệt, từ lúc có phong trào xây dựng nông thôn mới, tuy đây là chương trình khá mới mẻ đối với người đồng bào dân tộc thiểu số nhưng khi cùng chung tay thực hiện thì đã mang lại cuộc sống có nhiều khởi sắc. Cụ thể nhất là các công trình đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, các cơ sở hạ tầng khác được đầu tư khang trang, góp phần đưa kinh tế xã hội phát triển đi lên”, chị Ka Sắ K’uy nói.

Đa Quyn là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đức Trọng được thành lập năm 2009. Toàn xã có hơn 1.000 hộ với 4.285 khẩu, trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 83%. Từ một xã có xuất phát điểm thấp, kinh tế khó khăn, nhưng đến cuối năm 2018, Đa Quyn được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới và là xã cuối cùng của huyện Đức Trọng về đích nông thôn mới. Nếu năm 2009, thu nhập bình quân đầu người của Đa Quyn chỉ đạt 7 triệu đồng/năm, thì đến nay đã nâng lên 36 triệu đồng; đường làng ngõ xóm đã được bê tông hóa 100%, giao thông nội đồng cũng được cứng hóa 70%; hộ nghèo từ 48% vào năm 2011, hiện chỉ còn 6%.

Ông Ya Thương, Chủ tịch UBND xã Đa Quyn cho rằng, để đạt được xã nông thôn mới là cả một quá trình nỗ lực toàn diện của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã, trong đó việc tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và cùng chung tay thực hiện luôn được chú trọng hàng đầu.

“Tổ chức tuyên truyền, vận động để cho nhân dân họ hiểu biết về nông thôn mới là gì. Từ đó, bà con nhận thức được, bà con mới đồng tình và thực hiện rất tốt. Tự quyên góp, đóng góp kinh phí rồi tự làm như đường điện chiếu sáng đường quê, tự lắp đặt hệ thống chiếu sáng dọc đường đi, nhờ vậy toàn xã hiện đều có hệ thống chiếu sáng đi vào con đường. Đặc biệt, bà con không có trông chờ ỷ lại vào nhà nước mỗi khi có hư hỏng, bà con đều tự khắc phục sửa chữa, tự đóng góp tiền và tự làm”, ông Ya Thương cho biết thêm.

Theo ông Hồ Đăng Thành, Bí thư Đảng ủy xã Đa Quyn, do xã mới vừa cán đích xây dựng nông thôn mới nên còn gặp rất nhiều khó khăn ở phía trước. Vì vậy, để phát huy những kết quả đạt được, thúc đẩy kinh tế-xã hội của Đa Quyn tiếp tục phát triển đúng hướng và bền vững, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đa Quyn cần nỗ lực và chung tay thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: “Đa Quyn là xã có đa số người dân tộc thiểu số cho nên chúng tôi quan tâm tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới để tổng hợp sức mạnh. Tiếp tục phát triển thêm hệ thống hạ tầng cơ sở ở nông thôn để thúc đẩy phát triển sản xuất. Đặc biệt, chúng tôi có tiềm năng, lợi thế đó là đất đai đang còn rộng, rất phù hợp cho trồng rau-hoa cho nên chúng tôi sẽ tập trung nâng cao diện tích lên. Bên cạnh đó, mở rộng việc liên kết sản xuất với các doanh nghiệp để tiêu thụ các sản phẩm một cách bền vững”.

Với những kết quả đã đạt được cùng với sự đồng lòng chung sức trong phong trào xây dựng nông thôn mới, tin rằng cuộc sống của người dân ở Đa Quyn sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn kể từ mùa xuân này, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội chung của Đức Trọng - huyện nông thôn mới thứ 2 của Lâm Đồng./.