Mặc dù ngành Điện miền Nam đã tích cực tuyên truyền, thực hiện nhiều giải pháp chống trộm cắp điện nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Phải chăng các chế tài chưa đủ sức răn đe?
Khách hàng trộm cắp điện bằng hình thức đảo pha đầu vào công tơ và lấy nguội ngoài để sử dụng |
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
7 tháng đầu năm 2017, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) phát hiện 423 vụ trộm cắp điện, với hơn 1,5 triệu kWh, tương đương 4,626 tỷ đồng. Tuy đã giảm 183 vụ so với cùng kỳ năm 2016 nhưng nạn trộm cắp điện ở khu vực miền Nam diễn biến hết sức phức tạp.
Đáng nói, hành vi của các đối tượng ngày càng tinh vi và khó phát hiện như: Câu trực tiếp trước công tơ không qua hệ thống đo đếm; can thiệp trực tiếp vào bên trong công tơ làm sai lệch hệ thống đo đếm; dùng máy tạo dòng, dùng nam châm cực mạnh để can thiệp… Thậm chí, có những trường hợp đối tượng trộm cắp là người có trình độ, chuyên môn về điện, đã làm thay đổi kết cấu hệ thống đo đếm.
Đại diện EVNSPC cho biết, trong 21 tỉnh thành, thành phố do Tổng công ty quản lý, Đồng Nai là địa phương nạn trộm cắp điện diễn ra nhiều nhất, với 147 vụ được phát hiện trong 7 tháng đầu năm, chiếm 34,75% số vụ việc của toàn khu vực.
Nguyên nhân, Đồng Nai là tỉnh có địa bàn rất phức tạp, khối lượng khách hàng lớn (trên 761 ngàn khách hàng) nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, lưới điện hạ áp nông thôn trước đây do địa phương đầu tư đã bị xuống cấp, nên các đối tượng dễ dàng thực hiên các hành vi trộm cắp điện. Hiện nay, ngành Điện đã tiếp nhận và từng bước đầu tư, cải tạo nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, và giảm thiểu tình trạng vi phạm sử dụng điện…
Sử dụng nam châm vĩnh cửu đặt trên thùng công tơ để làm công tơ quay chậm hoặc không quay |
Không chỉ trộm cắp điện sử dụng trong sinh hoạt, nạn trộm cắp điện ở các tỉnh, thành phía Nam cũng đang diễn biến phức tạp, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Đáng nói, đã có trường hợp trộm cắp điện tử vong khi đang thực hiện đấu nối. Vậy nhưng, các hành vi vi phạm sử dụng điện vẫn tiếp diễn.
Cần tăng chế tài xử phạt
Một trong những nguyên nhân của vấn nạn trộm cắp điện vẫn diễn biến phức tạp, đó là chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Hiện nay, phần lớn các đối tượng vi phạm mới chỉ bị xử phạt hành chính.
Theo quy định, với hành vi trộm cắp điện từ 20.000 kWh trở lên sẽ bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế chưa có đối tượng nào bị truy tố hình sự, dù khi phát hiện vụ việc, các công ty điện lực đều chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an để truy tố theo quy định… Nguyên nhân theo phản hồi từ các cơ quan điều tra là chưa đủ chứng cứ để truy tố.
Đại diện EVNSPC cho hay, hiện nay, nhằm giảm thiểu vấn nạn trộm cắp điện, các đơn vị trực thuộc đã và đang phối hợp chặt chẽ với địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua chính quyền địa phương, tổ dân phố... Từ đó, nâng cao nhận thức người dân sử dụng điện, tránh tác động của các phần tử xấu.
Thay đổi sơ đồ đấu dây công tơ, đóng cọc đất, sử dụng nguội lấy từ cọc đất để sử dụng điện làm công tơ không đo đếm |
Đặc biệt, các đơn vị cũng đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, nhằm kiểm soát hệ thống đo đếm như: Thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử, ứng dụng hệ thống đo xa…, ngăn chặn có hiệu quả các trường hợp trộm cắp điện như: Phá chì kiểm định, khoan lổ công tơ, lật nghiêng công tơ, đảo pha lấy nguội ngoài, tháo nguội lưới vào công tơ lấy nguội ngoài, dùng máy tạo dòng góp phần giảm được số vụ trộm cắp điện…
Các công ty điện lực cũng đẩy mạnh công tác quản lý khai thác hiệu suất trạm biến áp công cộng chặt chẽ, kín hóa các mối nối hở đường dây và đấu nối cột đầu nhà, theo dõi sản lượng điện của khách hàng để kịp thời kiểm tra, ngăn chặn khi có biến động...
Để giảm thiểu vấn nạn trộm cắp điện hiệu quả, bên cạnh việc tăng chế tài xử phạt nhằm răn đe các đối tượng, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân trong việc sử dụng điện đúng quy định. Do đó, cùng với nỗ lực của ngành Điện, EVNSPC rất mong nhận được sự phối hợp tích cực của các cấp chính quyền, các cơ quan, đoàn thể của địa phương trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.