Kim ngạch xuất khẩu của cả nước 6 tháng đầu năm nay đạt 62 tỷ USD. Bộ Công thương dự báo trong 6 tháng cuối năm có khả năng kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt tốc độ cao hơn. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Một trong những khó khăn của doanh nghiệp xuất nhập khẩu xuất phát từ những quy định mới về thời hạn nộp thuế và ân hạn thuế có hiệu từ ngày 1/7. Theo đó, ân hạn thuế với hàng gia công xuất khẩu và hàng nhập khẩu phục vụ xuất khẩu là 215 ngày đối với doanh nghiệp có hồ sơ lý lịch tốt (hay còn gọi là luồng xanh).

Tuy nhiên, thực tế khi triển khai tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy quy định này đang gây ra khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất trong nước. Nếu không thuộc luồng xanh, doanh nghiệp phải nộp thuế trước hoặc có bảo lãnh của ngân hàng mới được thông quan. Hiện nay 70% hàng nhập khẩu về Việt Nam là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về vốn, lãi suất, nay lại phải trả thêm phí bảo lãnh của ngân hàng, khiến chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm tăng cao.

Thêm vào đó, chính sách hoàn thuế VAT theo Công văn 7527 của Bộ Tài chính mới đây (kiểm tra trước, hoàn sau) đang khiến các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, cà phê, thủy sản bị thiếu vốn hoạt động, bởi lượng tiền hoàn thuế lên tới 40 - 50 tỷ đồng/tháng/doanh nghiệp.

Ngoài ra, cũng từ ngày 1/7, lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra, giám sát chặt các xe chở quá tải ngay trong cảng. Tất cả xe ra khỏi cảng kể cả xe chở nguyên, vật liệu đều phải hạ tải theo quy định, dẫn tới tình trạng ùn tắc tại cảng, đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh, ảnh hưởng đến hàng xuất khẩu và làm tăng chi phí đối với doanh nghiệp. Do đó cần có giải pháp phù hợp, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ví dụ ngay từ khi đưa hàng từ nước ngoài về, doanh nghiệp cần yêu cầu đóng container phù hợp để tránh phải hạ tải, gia tăng chi phí./.