Ngày 3/3, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Xúc tiến xuất khẩu thông qua thương mại điện tử Amazon”. Hội thảo có sự tham dự của đại diện công ty Amazon Việt Nam, các Hiệp hội-ngành hàng cùng nhiều cá nhân-doanh nghiệp vừa và nhỏ đang kinh doanh trực tuyến.

Tại hội thảo, ông Trần Xuân Thủy – Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam khẳng định, xu thế mua hàng trực tuyến đang dần được khẳng định trong thực tiễn, cũng đã và đang chỉ ra những cơ hội và thách thức đối với các cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh này.

“Thương mại bán lẻ toàn cầu vẫn tăng trưởng rất mạnh, tốc độ 6%. Dung lượng khoảng 28.000 tỷ USD. Thương mại điện tử chiếm khoảng 13%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử đang gấp 6 lần so với hoạt động bán hàng truyền thống. Xuyên mại điện tử xuyên biên giới là 1 xu thế. Năm nay, chúng tôi dự báo đạt 1.000 tỷ USD, nhưng theo báo cáo mới nhất đầu năm, khả năng sẽ vượt 1,4 tỷ USD, có nghĩa vượt kỳ vọng của các chuyên gia. Đây là cơ hội để thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng toàn cầu –cơ hội cho doanh nghiệp”, ông Trần Xuân Thủy nói.

amazon_cqhn.jpg

Doanh nghiệp Việt đang bỏ lỡ nhiều cơ hội xuất khẩu trực tuyến.

Trong số những cơ hội - thách thức được chuyên gia sàn giao dịch thương mại toàn cầu Amazon nhận định, bà Nguyễn Thị Minh Thúy – Giám đốc Trung tâm ứng dựng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại, Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương chỉ rõ, thách thức lớn nhất của các cá nhân - doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tham gia thương mại điện tử nói chung và thương mại điện tử toàn cầu là nguồn nhân lực và ngoại ngữ. Điều này đang khiến nhiều doanh nghiệp bỏ lỡ nhiều cơ hội giao thương toàn cầu – bỏ lỡ cơ hội phát triển thương hiệu-doanh nghiệp.

“Lợi thế là các doanh nghiệp của chúng ta ham học hỏi, mong muốn hành động. Tuy nhiên, nhiều tiềm lực còn hạn chế, như: tiềm lực về tài chính, tiềm lực về năng lực sản xuất, năng lực cung ứng sản phẩm và đặc biệt là quản lý chất lượng. Đặc biệt là khi chúng ta tham gia vào các hiệp định thương mại thế hệ mới, điểm yếu của các doanh nghiệp chính là ngoại ngữ, doanh nghiệp cần nâng cao khả năng ngoại ngữ”, bà Nguyễn Thị Minh Thúy nhấn mạnh.

Là một trong những hoạt động thuộc khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Tập đoàn Amazon Global Selling và Cục xúc tiến thương mại trong năm 2020, Hội thảo “Xúc tiến xuất khẩu thông qua thương mại điện tử Amazon” góp phần định hướng - hỗ trợ năng lực xuất khẩu trên “thương trường ảo”.

Bà Nguyễn Phương Hạnh – Phụ trách xuất khẩu đường biển, công ty Vinalink Logistics cho rằng, đây là những chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn và cơ quan chức năng cần thúc đẩy hoạt động này, đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định thương mại thế hệ mới có nhiều điều khoản liên quan đến xuất khẩu qua thương mại điện tử.

“Tôi thấy, vấn đề marketing của doanh nghiệp Việt Nam chưa tốt, thường thì có gì bán nấy nhưng bên Mỹ họ không như vậy. Khi chưa đi được vào thị trường ngách thì Amazon hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm để tăng tính chi tiết của sản phẩm để từ đó có thể đi vào thị trường như Mỹ. Tôi hy vọng sẽ tiếp tục có các buổi tư vấn cụ thể hơn về sự liên kết của các doanh nghiệp, tư vấn trực tiếp cho doanh nghiệp”, bà Nguyễn Phương Hạnh cho hay./.