Sáng nay, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Hiệp hội bán lẻ Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Đầu tư phát triển thương hiệu và chi phí quảng cáo của doanh nghiệp”.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng những tài sản vô hình như sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghệ và sản phẩm, hệ thống và thương hiệu nhìn chung ít được quan tâm thích đáng. Do vậy, hiện nước ta vẫn chưa có các thương hiệu mạnh mang tầm cỡ khu vực và trên thế giới.
Ông Đỗ Hoài Anh, Giám đốc Công ty truyền thông Tiền Phong phân tích thực tế đang đòi hỏi phải xây dựng thương hiệu một cách hiệu quả, tạo sự khác biệt để doanh nghiệp xác lập được vị trí của thương hiệu trên thị trường: “Đăng ký bảo hộ thương hiệu ngay từ khi xây dựng thương hiệu ở thị trường. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần có ý thức hơn, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp cạnh tranh với mình cũng như các doanh nghiệp trên thị trường. Nếu tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của họ, cũng là tiền đề để họ tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ nói chung và các thương hiệu của mình nói riêng trên thị trường”.
Để xây dựng được thương hiệu quốc tế nhưng mang hình ảnh của Việt Nam, các đại biểu cho rằng: doanh nghiệp cần thích ứng với các kỹ thuật đã được chứng minh và phương pháp thành công của kinh doanh toàn cầu, đồng thời, cần hiểu rõ những thị trường tiềm năng của mình, nắm bắt được từng chi tiết của sản phẩm mà người tiêu dùng mong muốn, nhằm tạo ra những thương hiệu dựa trên sự khác biệt của riêng người Việt.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: “Chúng ta phải thay đổi tư duy về thương hiệu, từ cái nhìn chiến thuật đến tầm nhìn dài hạn và mang tính chiến lược; từ các hoạt động maketing nhỏ lẻ đến hoạt động xây dựng thương hiệu như một chiến lược tổng thể. Đặc biệt từ coi xây dựng thương hiệu là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất được dẫn dắt trực tiếp bởi lãnh đạo doanh nghiệp”./.