>> Thị trường Hoa Kỳ và bài học từ các vụ kiện / Ra mắt website cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giáTheo nhận định, vụ kiện phòng vệ thương mại có thể tăng lên trong tương lai. Thế nhưng, theo nhận xét của một thành viên trong Hội đồng Tư vấn chống bán phá giá – chống trợ cấp tự vệ (TRC) thì “Hiểu biết của các doanh nghiệp, các ngành có sản phẩm bị kiện phòng vệ của Việt Nam đã được cải thiện nhưng còn bị động; đã có hiểu biết hơn nhưng năng lực còn rất hạn chế so với yêu cầu và vì thế hiệu quả đối phó chưa cao”.

Doanh nghiệp “quên” phòng vệ trên sân nhà

Các nguyên tắc về chống bán phá giá trong WTO hiện hành dường như mở cho các nước cơ hội sử dụng biện pháp này bất kỳ khi nào họ thấy tình hình nhập khẩu “có vấn đề”. Thế nhưng, những năm gần đây, cán cân thương mại của nước ta luôn ở trong tình trạng nhập siêu. Trong số các mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch lớn, không loại trừ có những mặt hàng được bán phá giá hoặc có trợ cấp của Chính phủ nước xuất khẩu.

Quá trình xâm nhập thị trường Việt Nam, không ít các doanh nghiệp nước ngoài có các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, lợi dụng thời cơ ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam, gây thiệt hại hoặc đe dọa sự tồn tại đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, dẫn đến nguy cơ “thua ngay trên sân nhà” của doanh nghiệp trong nước.

Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến các qui định trong WTO (ảnh minh họa)

Trước thực trạng đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, đảm bảo sự tồn tại và phát triển của mình trên thị trường nội địa, theo luật của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu. Nhưng, việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại này còn chưa được nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm.

“Các nước có thể sử dụng những công cụ phòng vệ thương mại để đối phó với những trường hợp nhập khẩu “bất bình thường” nhưng không có nghĩa là họ có thể sử dụng bất kỳ khi nào nhập khẩu “có vấn đề” mà phải là trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể tương ứng như WTO đã quy định”-Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Trang – Hội đồng Tư vấn chống bán phá giá – chống trợ cấp tự vệ (TRC) nói.Và để làm được điều này, theo bà Thu Trang, không gì hơn là doanh nghiệp phải hiểu rõ các qui định trong WTO.

Thế nhưng, khảo sát của VCCI cho thấy, có đến 66% các doanh nghiệp không hiểu rõ về các nội dung cơ bản của các Hiệp định trong khuôn khổ WTO và gần 50% doanh nghiệp không biết về các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam liên quan đến ngành hàng của mình. Trong khi đó, nếu hiểu rõ về các nội dung này, các doanh nghiệp, hiệp hội nước ta hoàn toàn có thể chủ động đệ đơn kiện ra trước cơ quan xử lý tranh chấp của WTO. Cơ quan này sẽ xem xét chúng ta có bán phá giá hay không và ra phán quyết. Phán quyết đó có giá trị thi hành trên bình diện quốc tế và buộc các nước phải tuân thủ.

“Việt Nam hiện vẫn chưa sử dụng hữu hiệu các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước như các nước khác đã làm, mặc dù các công cụ phòng vệ đều đã có” - ông Vũ Bá Phú- Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho biết.

Luôn trong thế phòng thủ

Nguyên nhân dẫn đến những vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ là do mặt hàng nhập khẩu bị kiện bán phá giá có bán tại thị trường nước nhập khẩu, ngành sản xuất trong nước của mặt hàng bị kiện bán phá giá đang bị đe dọa hay đang bị tổn thương.

Theo cảnh báo của các chuyên gia, các mặt hàng thường bị kiện bán phá giá nhất là dệt may và da giầy; hóa chất, kim loại và sản phẩm từ kim loại; máy móc, thiết bị cơ khí, thiết bị điện; nhựa, cao su; bột giấy, giấy; nông sản, thực phẩm; đá, nhựa và sản phẩm từ đá, nhựa.

Ông Lê Văn Đạo – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết: “Dù chưa bị kiện phá giá nhưng trong tương lai, ngành dệt may phải nghiên cứu để sẵn sàng đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại. Vì thực tế, có nhiều vụ kiện rất vô lý, không có thật nhưng nhiều nước vẫn khởi kiện hoặc áp dụng các biện pháp giám sát. Chính vì thế, các doanh nghiệp dệt may phải chuẩn bị những kiến thức, tổ chức, điều kiện để tham gia vào các vụ tranh chấp”.

Ngoài ra, theo bà Thu Trang, “Đừng tạo cớ cho người ta đi kiện, bằng cách không phát triển quá nóng một thị trường nào; thay cạnh tranh giá bằng cạnh tranh chất lượng… Giảm thiểu thiệt hại bao nhiêu tốt bấy nhiêu, bằng cách: Đa dạng hóa thị trường (để đừng bỏ tất cả trứng vào một giỏ) và đừng quá dựa vào cạnh tranh về giá; Cải tạo hệ thống kế toán - tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế (để sẵn sàng các bằng chứng chứng minh cho mình); Tham gia tích cực vào vụ kiện nếu xảy ra (muốn người ta biết mình không làm sai thì phải chứng minh cho người ta thấy chứ không phải để đó tự người ta bênh mình)”.

Đoàn kết là sức mạnh và cũng là bài học được đặc biệt nhấn mạnh khi hội nhập kinh tế quốc tế: “Kiện phòng vệ liên quan đến cả ngành. Vì thế nếu chỉ một vài doanh nghiệp cố gắng thì chẳng thể làm gì nổi, giống như vài thủy thủ cố gắng chẳng thể giúp cho tàu không chìm – vai trò chủ động tích cực của các hiệp hội và sự đoàn kết của doanh nghiệp quanh hiệp hội là rất quan trọng trong các thủ tục kiện; trong các hoạt động vận động bên ngoài vụ kiện” – bà Thu Trang nói.

Ngoài ra, theo bà Thu Trang, doanh nghiệp Việt Nam cần tạo lập dần thói quen sử dụng tư vấn pháp lý chuyên nghiệp. Bởi người dân, doanh nghiệp chỉ có thể hiểu sơ bộ về WTO chứ không thể hiểu chi tiết về các vấn đề pháp lý cực kỳ phức tạp của WTO. Ở các nước phát triển, doanh nghiệp cũng không hiểu WTO một cách cặn kẽ, nhưng họ biết tầm quan trọng và tính chất của nó, và vì vậy biết thận trọng dùng tư vấn pháp lý mỗi khi có việc liên quan./.