Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu khuyến nghị doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng cho việc hạn chế tín dụng vào bất động sản dự kiến áp dụng kể từ ngày 01/01/2019 theo lộ trình.

Cụ thể, theo ông Châu, năm 2018 dự báo thị trường bất động sản có thể vẫn tiếp tục phục hồi, tăng trưởng, giữ được sự phát triển ổn định; các phân khúc thị trường và sản phẩm bất động sản sẽ có sự tái cơ cấu lại hợp lý hơn nữa; phân khúc thị trường nhà ở vừa túi tiền loại căn hộ 1-2 phòng ngủ có giá bán trên dưới 01 tỷ đồng/căn giữ vai trò chủ đạo và dự báo giá bán nhà ở sẽ không có biến động lớn; các dự án "bất động sản xanh", có không gian sống thân thiện môi trường theo hướng thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ là xu thế được lựa chọn.

bds_gkkn_hrmx.jpg
Năm 2018 dự báo thị trường bất động sản có thể vẫn tiếp tục phục hồi(Ảnh minh họa:KT)

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Chủ tịch HoREA cho rằng, cần phải có sự nỗlực đồng bộ từ cơ quan nhà nước đến các tổ chức tín dụng và cộng đồng doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp bất động sản.

Nhưng thị trường bất động sản năm 2018, theo dự báo của ông Châu, cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn về quan hệ cung - cầu; tiếp cận quỹ đất đầu tư; thủ tục hành chính; thiếu vốn; nhưng trước hết là khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng, do Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục thực hiện lộ trình hạn chế dần nguồn tín dụng vào thị trường bất động sản. Tuy nhiên, áp lực này cũng sẽ là động lực buộc các doanh nghiệp bất động sản phải tìm kiếm các giải pháp phù hợp để vượt qua, vươn lên để phát triển bền vững, thích ứng với môi trường kinh doanh hoàn toàn mới.

Bên cạnh nhiều chính sách, quy định mới đã và sẽ ban hành có liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản (như về phát triển du lịch, xử lý nợ xấu, luật đất đai, luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt...), theo ông Châu, Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ có một số nội dung liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản.

Trong đó, điểm rất đáng lưu ý là sẽ kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (trong đó, có lĩnh vực bất động sản); Chấn chỉnh những bất cập trong các dự án đối tác công tư, nhất là các dự án BOT; Theo dõi sát diễn biến, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường bất động sản. Nghiên cứu và thực hiện có hiệu quả các công cụ, giải pháp để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, bảo đảm tính công khai minh bạch của thị trường; Tập trung cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, thuế, tiếp cận tín dụng, giảm thời gian thực hiện thủ tục và chi phí hoạt động của người dân, doanh nghiệp.

Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình phát triển nhà ở quốc gia, nhất là các chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Nghiên cứu và triển khai ứng dụng các mô hình kiến trúc, vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, trong lộ trình hạn chế dần nguồn tín dụng ngân hàng vào thị trường bất động sản kể từ ngày 01/02/2015 đến nay, đầu năm 2018, Chính phủ tiếp tục giục thực hiện quyết liệt việc này. Do đó, ngày 23/01/2018, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn số yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh; Hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng. Thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp; giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản. 

Từ thực tế đó, HoREA khuyến nghị các doanh nghiệp các doanh nghiệp cần đảm bảo hiệu quả kinh doanh, trước hết là đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận; doanh thu; chuẩn bị được quỹ đất, dự án đầu tư phát triển; chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án; tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp... để đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng theo chính sách mới hiện nay.

Đồng thời, các doanh nghiệp phải luôn luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, giữ chữ tín, đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ thi công, bàn giao nhà, hình thành không gian sống xanh, thân thiện môi trường, coi trọng công tác hậu mãi chăm sóc khách hàng, để có thể huy động được nguồn vốn ứng trước của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản (được huy động đến 70% giá trị hợp đồng nếu chưa bàn giao nhà; được huy động đến 95% giá trị hợp đồng nếu đã bàn giao nhà).

"Các doanh nghiệp luôn luôn phấn đấu trở thành là nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp và có năng lực trong phân khúc thị trường và sản phẩm mà mình đã chọn."- ông Châu nhấn mạnh./.