Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển. Những tác động từ quá trình đầu tư, thu hút đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa, công nghiệp hóa với nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau thời gian qua đã dẫn đến việc bùng phát các vấn đề về môi trường. Ô nhiễm và các biện pháp bảo vệ môi trường cấp bách đã và đang tạo ra những bức xúc lớn.

kte_xanh_plgw.jpg
Doanh nghiệp sử dụng tài nguyên, năng lượng chưa được hiệu quả dẫn đến ô nhiễm môi trường gia tăng. (Ảnh minh họa: KT)

Tăng trưởng nhanh nhưng thiếu bền vững

Chia sẻ những tác động đến môi trường trong sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam tại Hội nghị Phát triển bền vững – xu hướng tất yếu và sự cần thiết đối với doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hiện đang có một số vấn đề môi trường nóng nổi lên, thách thức sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.

Đặc biệt ở giai đoạn kinh tế phát triển bùng nổ (từ năm 2006 – 2010), Việt Nam chủ trương thu hút đầu tư rất mạnh với tinh thần “trải thảm đỏ” hoặc thu hút đầu tư bằng mọi cách, nhưng lại chưa quan tâm nhiều đến những tác động môi trường. Để đến thời điểm này, khi những dự án được xây dựng ở những thời điểm đó bắt đầu đi vào hoạt động, ít nhiều đã bộc lộ những mặt trái, mặt yếu và thể hiện tính phát triển thiếu bền vững.

“Chỉ cần một nhóm đối tượng dự án đầu tư, chiếm khoảng 20% thành phần kinh tế nhưng có thể gây ra từ 70% - 80% ảnh hưởng về môi trường của Việt Nam. Dễ thấy điều này ở những dự án lớn, những loại hình sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, những dự án có công nghệ lạc hậu đang tiềm ẩn gây ra sự cố môi trường không nhỏ”, ông Tài chỉ rõ.

Khi nhìn nhận về các chính sách khuyến khích của Chính phủ nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Giáo dục Tài nguyên Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư – KH&ĐT) cũng khẳng định rằng, Việt Nam đã sớm xác định phát triển bền vững là con đường tất yếu và có nhiều nỗ lực để thực hiện các mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận lại chặng đường phát triển vừa qua, theo đánh giá chung của Chính phủ cũng như các tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế, kinh tế Việt Nam phát triển chưa thực sự bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, cân đối kinh tế vĩ mô chưa ổn định.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, việc phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua thực chất chỉ là “kinh tế nâu”, dựa nhiều vào việc đẩy mạnh khai thác tài nguyên thiên nhiên, tăng vốn đầu tư và thâm dụng lao động. Trong khi đó, việc sử dụng tài nguyên, năng lượng chưa được hiệu quả, cường độ phát thải khí nhà kính quá cao, quản lý còn bất cập dẫn đến ô nhiễm môi trường gia tăng.

Hơn nữa, một số thách thức về đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực, nguồn nước, tính dễ bị tổn thương của một số ngành kinh tế, cộng đồng dân cư tăng lên trong điều kiện nhiều vùng, miền chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. “Điều này đang ảnh hưởng đến việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội theo hướng phát triển bền vững đất nước”, ông Tuấn Anh lo ngại.

Tạo cho doanh nghiệp cách nhìn mới

Xác định doanh nghiệp là đối tác quan trọng trong tiến trình hướng tới phát triển kinh tế bền vững. Thời gian qua, Chính phủ cùng với cộng đồng doanh nghiệp đã xây dựng và thực hiện những chính sách quan trọng liên quan đến tái cấu trúc nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo thông tin từ ông Nguyễn Tuấn Anh, Bộ KH&ĐT cũng luôn mong muốn doanh nghiệp đóng góp nhiều hơn nữa trong công cuộc thực hiện các mục tiêu của Chương trình nghị sự năm 2030. Doanh nghiệp tham gia các hành động vì sự phát triển bền vững sẽ không chỉ là nghĩa vụ, mà còn có nhiều cơ hội cho các giải pháp công nghệ và hình thức kinh doanh tiên tiến để giải quyết các thách thức phát triển bền vững không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế.

“Muốn vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần đưa ra được các cách thức kinh doanh bền vững, đảm bảo trách nhiệm xã hội, giảm thiểu những tác động đến môi trường. Các doanh nghiệp cần nhanh chóng làm quen với những mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, xác định tâm thế của mình để nắm bắt cơ hội kinh doanh, có được kế hoạch kinh doanh với nội dung phát triển bền vững là cốt lõi, tránh được rủi ro cho mình và cộng đồng trong quá trình sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực vào việc thực hiện các nội dung của Chương trình nghị sự năm 2030”, ông Tuấn Anh đề xuất.

Đại diện Tổng cục Môi trường, ông Nguyễn Văn Tài cho rằng, mặc dù có chung hoàn cảnh giống như nhiều quốc gia đi trước khi phát triển kinh tế đều phải đối mặt với những vấn đề về môi trường, nhưng quan trọng nhất là Việt Nam phải có hướng đi, cách làm khác để tránh hoặc sớm thoát ra những sai lầm tương tự.

Cụ thể là khi đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư, cần đánh giá công trình, dự án đó đã có các biện pháp bảo vệ môi trường như thế nào? Giám sát các hoạt động xả thải của doanh nghiệp cũng như quan trắc đánh giá môi trường ra sao, để có thể tiếp cận một cách có hệ thống và bài bản tiêu chuẩn thu hút đầu tư cũng như quá trình thanh, kiểm tra về sau.

Theo quan điểm của ông Tài, khi hiểu được các vấn đề lớn về môi trường để thấy được vai trò cũng như sự tham gia của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của Việt Nam (VBCSD) trong việc tham gia đóng góp, giải quyết các vấn đề nóng, bức xúc, đang được xã hội đang quan tâm. Từ đó phát huy vai trò đồng hành của doanh nghiệp với sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Vì thế, hơn lúc nào hết các doanh nghiệp cần có tiếng nói góp ý cho cơ quan quản lý trong quá trình phát triển. Điều này vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế quốc gia, vừa tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp, công ăn việc làm cho xã hội nhưng gắn với biện pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững./.