Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389, tính đến ngày 15/11/2015 đã có 186.989 vụ việc vi phạm đã được phát hiện, bắt giữ, xử lý, tăng 6,47% so với cùng kỳ năm 2014. Số tiền thu nộp Ngân sách Nhà nước từ xử lý vi phạm, truy thu thuế ước đạt xấp xỉ 11.536 tỷ đồng, tăng 5,75% so với cùng kỳ năm 2014. Với tinh thần kiên quyết xử lý đến cùng, công khai, minh bạch, một loạt cán bộ bao che, bảo kê cho hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả đã bị xử lý.
Dù các lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt nhưng hàng giả, hàng nhái vẫn tiếp tục tung hoành. Trước thực trạng này, nhiều doanh nghiệp phải tìm các phương thức để đấu tranh với hàng giả, hàng nhái.
Hàng được ưa chuộng dễ bị làm giả, làm nhái
Từng đoạt giải thưởng Hàng Việt Nam chất lượng cao, Sao vàng Đất Việt, Thương hiệu Quốc gia cho 3 dòng sản phẩm,... các sản phẩm của Tôn Hoa Sen sớm được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Song, ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen rất bất bình trước hành vi ngang nhiên vi phạm pháp luật, làm giả, làm nhái sản phẩm của tập đoàn. Ông Thanh bức xúc: “Tôn gian, tôn kém chất lượng dễ dàng lừa được người tiêu dùng bằng giá thấp hơn so với hàng chính hiệu khiến doanh nghiệp bị mất thị phần tiêu thụ”
Ông Thanh cho biết, các thủ đoạn gian dối của cơ sở sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái: Đáng ra, độ dày của tấm tôn phải đạt 4 dem như công bố của nhà sản xuất thì thực tế khi đo sản phẩm giả, nhái chỉ có 3 dem; gian lận về độ dày lớp mạ, ảnh hưởng lớn tới tuổi thọ của tấm tôn…
Lực lượng chức năng bắt vụ làm giả nhãn hiệu vỏ ruột xe Casumina tại phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: K.T ) |
Cũng chung tâm trạng nhức nhối về một số sản phẩm bán chạy của doanh nghiệp (DN) bị làm giả, làm nhái, ông Trần Nam, Phó giám đốc Công ty cổ phần thương mại Viglacera nhận định, những kẻ làm hàng giả, hàng nhái là những kẻ phá hoại DN, phá hoại nền kinh tế. Theo ông Nam, khi phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả, công ty đã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường (QLTT) nhưng vẫn không thể xử lý dứt điểm.
“Chế tài xử lý quá nhẹ khiến người bán hàng giả, hàng nhái không sợ, người ta cứ ngang nhiên tiếp tay cho các hành vi phạm pháp. Chúng tôi đề nghị phải có chế tài mạnh để người bán, người sản xuất phải sợ không làm hàng giả…”, ông Trần Nam đề xuất.
Đại diện Công ty cổ phần dây cáp điện Việt Nam (CADIVI) chia sẻ, phát hiện thương hiệu CADIVI bị giả nhãn mác; hàng có nhãn mác na ná thương hiệu của công ty như: CADAVI, CADIVINA, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng… công ty chủ động phối hợp với lực lượng QLTT trong công tác chống hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ. Mặt khác, CADIVI tiếp tục tăng cường sử dụng các biện pháp phòng chống không bị làm giả, làm nhái như sử dụng công nghệ in tem nhãn đặc biệt, có nhận dạng riêng chỉ có thể thấy khi chiếu đèn tia cực tím vào nhãn mác sản phẩm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các sản phẩm của DN trong nước được người tiêu dùng ưa chuộng như: Bóng đèn Rạng Đông, quần áo Hanosimex, nước uống Lavie, nước chanh leo Pushmax, giấy lau, săm xe máy,… đều có thể bị làm giả.
Theo các cơ quan chức năng, xuất hiện tình trạng nhiều cơ sở sản xuất trong nước làm nhái của nhau, nghiêm trọng hơn là hàng giả, hàng nhái còn được sản xuất từ nước ngoài rồi tuồn vào trong nước tiêu thụ.
Chống hàng giả, hàng nhái là nhiệm vụ chính trị
Ngày 11/12/2015, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ công tác 2016 của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (Ban chỉ đạo 389), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, hàng giả để bảo vệ uy tín Quốc gia; đồng thời nhấn mạnh: Chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả là việc khó, không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà là vấn đề của tất cả các nước trên thế giới. Tuy nhiên, Đảng, Nhà nước nhận thức rằng, vấn đề này ở Việt Nam nghiêm trọng hơn nên cần ngăn chặn tối đa để bảo vệ giống nòi, bảo vệ sức khỏe của người dân, bảo vệ uy tín của Việt Nam trước bạn bè quốc tế.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc trên tinh thần quyết tâm lớn, trách nhiệm cao, kiên quyết ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, coi đây là nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới; thực hiện nghiêm, hiệu quả các chương trình, chỉ đạo của Trung ương, nhất là đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Việc tuyên truyền, cùng các hộ kinh doanh ký cam kết; nghiên cứu thông tin về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong các hiệp định thương mại để có các biện pháp ngăn chặn hiệu quả... cần được tăng cường hơn nữa./.