Tại hội thảo về "giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trụ vững và phát triển", sáng 26/11, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức, các chuyên gia cho rằng, DN vừa và nhỏ đối mặt nhiều khó khăn và cần phải biết tìm lối đi thông minh cho mình để trụ vững và phát triển.

Đối mặt thử thách lớn

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), VCCI cho biết: Khối DNNVV Việt Nam đang chiếm tỷ lệ 97% xét theo tiêu chí lao động, nhưng gần 60% DNNVV chịu sự ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng toàn cầu. Tính đến tháng 9/2012, có trên 51.000 doanh nghiệp thành lập mới; số doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động đã trên 42.000 doanh nghiệp. “Đây là con số tăng kỷ lục so với nhiều năm qua”- bà Hằng nhấn mạnh.

chebiengo1.jpg
Doanh nghiệp nói chung, trong đó có DNNVV đang tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn

Cạnh đó, chỉ số tồn kho cao; chỉ số mua sắm (PMI) không được cải thiện; dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại vào những tháng cuối năm 2012 không tăng. Thực trạng này, bà Hằng đánh giá “Doanh nghiệp nói chung, DNNVV đang trải qua thời kỳ rất gian nan, thử thách”.

Đến từ tổ chức ACCA, bà Rosana Mirkovic, Giám đốc chính sách DNNVV của ACCA, cho biết: DNNVV trên thế giới nói chung rất quan trọng đối với các nền kinh tế. Bởi DNNVV đóng góp 50% sản lượng của khu vực kinh tế tư nhân và 63% việc làm. DNNVV cũng là “người xây dựng xã hội văn minh”. Do đội ngũ này gắn bó với các cộng đồng địa phương, theo đuổi những mục đích phi tài chính. Hơn nữa, đội ngũ này được tín nhiệm hơn trên toàn cầu để phát huy những “giá trị chung”. Đặc biệt, những doanh nghiệp này mang lại lối thoát khỏi nghèo nàn và phụ thuộc.

Đồng thời, DNNVV được coi là “người đổi mới”, vì doanh nhân trong đó dấn thân vào những dự án cực kỳ mạo hiểm, không chứng minh được năng lực tài chính, không thể xin vay vốn ngân hàng và chưa thể đầu tư.

Riêng đối với Việt Nam, bà Rosana Mirkovic dẫn một kết quả nghiên cứu cho thấy, DNNVV đóng góp tới 40% GDP và gần 80% việc làm.

Tuy nhiên, dẫn kết quả khảo sát về doanh nghiệp toàn cầu, bà Rosana Mirkovic chỉ ra một thực trạng đáng lưu ý: các DNNVV hầu hết được thành lập, duy trì và tồn tại ở quy mô nhỏ; ½ số DNNVV thất bại trong 5 năm đầu tiên.  

Một trong những khó khăn của DNNVV, cũng theo bà Rosana, đó là tâm lý tài trợ cho DNNVV được coi là mạo hiểm và không mang lại lợi nhuận. Điều này có nguyên nhân từ việc thiếu thông tin đáng tin cậy và tài sản thế chấp của DN. Ngay cả khi thông tin hoàn hảo, việc thường xuyên cho vay hoặc đầu tư vào các DNNVV cũng tốn kém như đối với DN lớn. Hơn nữa, mức tăng trưởng của DNNVV là khó dự đoán nhưng nó phụ thuộc vào nguồn tài chính và năng lực nội bộ.

Phải kiểm soát rủi ro

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, bà Thái Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc công ty Deloitte Việt Nam (chuyên về lĩnh vực kiểm toán và tư vấn doanh nghiệp) cho rằng, các doanh nghiệp không nên ngồi chờ chính sách hay trợ giúp từ bên ngoài mà phải biết chủ động tìm ra giải pháp tồn tại cho mình.

Một trong những giải pháp quan trọng, theo bà Hải, DN phải biết đến những rủi ro của doanh nghiệp mình. Nếu không biết mình sẽ gặp rủi ro gì, doanh nghiệp không thể ứng phó khi xảy ra rủi ro.

Đặc biệt, bà Hải cho biết, môi trường kinh doanh toàn cầu hiện nay đã hình thành khái niệm “New Normal” (bình thường mới). Theo đó, trong điều kiện mới, những rủi ro vốn không thể tránh, nó đang tồn tại cũng trở nên một sự bình thường của môi trường kinh doanh. Đơn cử, chuyện lạm phát, khủng hoảng hiện tại của nhiều quốc gia đã trở thành chuyện bình thường.

Vì thế, “các DN cần chấp nhận các rủi ro nhất định để có được lợi thế cạnh tranh. Không thể loại trừ tất cả các rủi ro, thay vào đó, DN cần xác định rủi ro nào nên chấp nhận và chấp nhận với mức độ bao nhiêu là phù hợp với năng lực hiện tại của DN”- bà Hải nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, lâu nay không ít doanh nghiệp thực hiện kiểm soát nội bộ kém. Đó là hình thức quản trị kiểm soát theo thói quen, theo kiến thức được học một cách thụ động mà chưa tìm cách kiểm soát cho riêng mình. Bởi theo bà Hải, các doanh nghiệp khác nhau sẽ có những rủi ro khác nhau, do đó phải có cách kiểm soát rủi ro khác nhau.

Đồng thời, doanh nghiệp cần chú ý đến hoạt động kiểm soát nội bộ. Theo đó, không phải cứ khó khăn là nghĩ ngay đến giảm nhân lực, cắt giảm chi tiêu, cơ cấu lại tài chính mà quan trọng hơn là cần chú ý đến tăng cường chức năng của các bộ phận. Vấn đề không phải là tăng hay giảm nhân lực mà phải là hiệu quả sử dụng nhân lực.

Do đó, có thể nhận thấy, thời buổi khó khăn, không phải lúc nào cũng là ngõ cụt cho doanh nghiệp. Việc giảm giá sản phẩm, cắt giảm nhân sự… không phải lúc nào cũng là giải pháp tối ưu cho DN. Bởi theo bà Hải, DN cần biết tìm ra rủi ro nào  có thể mang lại lợi ích cho mình, từ đó phải chấp nhận nó. Rủi ro mới có thể là cơ hội tạo ra lợi ích mới cho DN. Thực tế đã chứng minh, nhiều DN thành công, đạt lợi ích lớn trong bối cảnh khó khăn vì dám chấp nhận rủi ro.

Giải thích các rủi ro đi kèm tiềm năng về lợi ích, bà Hải chỉ ra gồm: xâm nhập vào thị trường mới, xây dựng và giới thiệu các sản phẩm dịch vụ mới, phát triển và áp dụng các quy trình, mô hình kinh doanh mới, các liên minh, sáp nhập, và mua lại…

Bên cạnh kỹ năng chấp nhận các rủi ro mang lại giá trị như nêu trên, bà Hải còn đưa ra 9 kỹ năng khác để quản trị rủi ro thông minh cần thiết cho doanh nghiệp như: Kiểm tra các giả định ngay từ đầu; duy trì sự cẩn trọng thường xuyên; yếu tố về xu hướng và sự thay đổi; quản trị các kết nối then chốt; lường trước các nguyên nhân thất bại; xác thực thông tin; duy trì một biên độ an toàn; đặt ra các mục tiêu dài hạn và cân bằng giữa lợi ích dài hạn và ngắn hạn; duy trì kỷ luật lao động./.