Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành một số chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM vẫn chưa thuận lợi trong việc tiếp cận các hỗ trợ này.
Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc ở huyện Cần Giờ, TP.HCM chuyên kinh doanh xăng, dầu. Do dịch bệnh, phương tiện giao thông đường bộ hạn chế hoạt động, ngư dân không đi đánh bắt... Công ty chỉ cung cấp xăng, dầu cho một ít phương tiện chở thực phẩm thiết yếu nên doanh thu giảm tới 90% so với trước khi giãn cách.
Ông Văn Công Thật, Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc cho biết, doanh nghiệp vay ngân hàng gần 10 tỷ đồng làm vốn lưu động với thời hạn 6 tháng, đến ngày 21/9 là kỳ hạn trả nợ 2 tỷ đồng. Công ty dự định xin giãn nợ thêm từ 3 đến 6 tháng, nhưng việc đi lại làm thủ tục khó khăn do phải di chuyển sang quận khác và nếu giãn nợ thì lãi suất sẽ tăng. Vì vậy, doanh nghiệp phải vay bên ngoài với lãi suất cao hơn để trả nợ đúng kỳ hạn, khi đó mới được vay vốn mới.
“Doanh nghiệp gặp khó khăn, muốn ngân hàng giãn thời gian trả nợ để có thời gian xoay vòng vốn, nhưng ngân hàng nói nếu giãn thời gian trả nợ thì lãi suất sẽ tăng lên chứ không như trước đây (trước đây 8%/năm). Nếu làm thủ tục phải đi lại rất khó khăn, nên mình phải vay thêm ở ngoài trả nợ ngân hàng, tránh nợ xấu", ông Văn Công Thật cho hay.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp khác cũng chưa thuận lợi cơ cấu lại thời gian trả nợ theo quy định tại Thông tư 03 ngày 2/4/2021 và Thông tư 14 ngày 7/9/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trong đó quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp lương thực, thực phẩm TP.HCM cho biết, thông tư 14 tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp vì mở rộng phạm vi áp dụng cho các khoản vay từ ngày 1/8/2021 trở về trước, thời gian cơ cấu nợ kéo dài đến ngày 30/6/2022 thay vì trước đây chỉ đến 31/12/2021. Tuy nhiên, hiện chỉ có vài ngân hàng lớn có vốn Nhà nước như Agribank, Vietinbank... giảm lãi suất, song mức giảm cũng chỉ 1%/năm. Còn các ngân hàng thương mại cổ phần khác chưa có mức giảm cụ thể do Thông tư 14 chỉ yêu cầu các ngân hàng xem xét mức giảm lãi suất cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, theo bà Chi, Thông tư 14 chưa sát với tình hình thực tế của doanh nghiệp và chưa phủ hết đối tượng thật sự cần hỗ trợ. Cụ thể là doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm bị ảnh hưởng dịch bệnh nhưng chưa được xem xét hỗ trợ lãi suất vay mới, và thời gian hỗ trợ cho các doanh nghiệp chưa đủ để doanh nghiệp phục hồi. Do đó, Hiệp hội Doanh nghiệp lương thực, thực phẩm TP.HCM đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên mở rộng phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí phát sinh đến trước ngày 31/12/2021.
Mốc thực hiện cơ cấu lại nợ nên được gia hạn trước 30/12/2022 để tạo động lực cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Hiệp hội cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bổ sung các doanh nghiệp ngành nghề đặc thù như lương thực, thực phẩm vào đối tượng được hỗ trợ chính sách vay mới với mức lãi suất thấp để chuẩn bị cho sản xuất hàng hóa dịp cuối năm và Tết.
Bà Lý Kim Chi kiến nghị: “Chúng tôi kiến nghị được vay những khoản vay mới, đối với tài sản đang thế chấp ngân hàng thì cho phép nâng mức định giá tài sản, trước đây tài sản sản định giá 70% như hiện nay lên 85%, thậm chí 90%. Các doanh nghiệp này làm ăn rất tốt nhưng khó khăn về vốn do dịch bệnh, ngân hàng nên cho doanh nghiệp cơ cấu lại tài sản cho vay”
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM, từ ngày 13/3/2020 đến nay các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại tại TP đã hỗ trợ cho 398.000 lượt khách hàng gặp khó khăn do COVID-19 cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi với số tiền 1.199.000 tỷ đồng. Thực hiện Thông tư 14, từ ngày 7/9 đến nay, thành phố có 40.000 lượt khách hàng được hỗ trợ với hơn 400.000 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện có hiệu quả Thông tư 14 để hỗ trợ doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện thông tư này, nếu có vi phạm sẽ xử lý.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang thống kê quá trình tổ chức thực hiện thông tư này của các ngân hàng cũng như tìm hiểu những khó khăn, đề xuất của doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề để có giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời. Từ đó có sự hỗ trợ cho doanh nghiệp tốt nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất”.
Vốn luôn là yếu tố quan trọng quyết định sự sống còn của doanh nghiệp, là “nguồn oxy” tiếp sức để doanh nghiệp phục hồi, gượng dậy sau đại dịch COVID-19. Các chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nếu được triển khai thông suốt từ trên xuống dưới sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn, trợ lực tốt cho doanh nghiệp, nhưng nếu ngược lại sẽ khiến doanh nghiệp bị "hụt hơi"./.