Hiện đang là thời điểm tốt để các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Đây là nhận định được nhiều doanh nghiệp, chuyên gia đưa ra trong cuộc hội thảo có chủ đề “M&A tại Việt Nam: sức hút từ thị trường Nhật Bản” được tổ chức chiều qua (12/11) tại Tokyo.
Hội thảo thu hút hơn 90 doanh nghiệp Nhật Bản và 30 doanh nghiệp Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực tham gia. |
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng khẳng định, đây đang là thời điểm tốt để các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thông qua hình thức mua bán sáp nhập (M&A).
Theo Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp của Việt Nam với sự tham gia của Nhật Bản. Hai nước cũng thống nhất triển khai giai đoạn 5 sáng kiến chung Nhật – Việt về cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Nhật Bản có ý định sang làm ăn tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Trung Dũng, tham tán công sứ phụ trách thương mại của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, cũng cho rằng, hiện có nhiều yếu tố thúc đẩy nhà đầu tư Nhật Bản tiến hành các thương vụ mua bán sáp nhập tại Việt Nam (M&A). Trước hết, đó là cơ hội tăng trưởng tại thị trường Nhật Bản khá thấp, trong khi kinh tế Việt Nam bắt đầu phục hồi. Xu hướng giảm tỷ trọng đầu tư vào Trung Quốc của các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như hành lang pháp lý của Việt Nam trong lĩnh vực này dần được hoàn thiện cũng sẽ là động lực cho các nhà đầu tư Nhật Bản.
Theo ông Dũng, các nhà đầu tư Nhật Bản hiện đứng thứ hai sau Pháp, khi chiếm 34% tổng số vốn các thương vụ mua bán sáp nhập của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Trong đó, năm 2012 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh hoạt động mua bán sáp nhập của doanh nghiệp Nhật Bản với 12 thương vụ và tổng số vốn lên đến 743 triệu USD.
Ông Dũng dự đoán các thương vụ mua bán sáp nhập của Nhật Bản trong thời gian tới sẽ tập trung ở các ngành công nghiệp phụ trợ, và ngành dịch vụ.
Ông Hirokazu Yamaoka, nguyên Giám đốc Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cũng cho rằng, mua bán sáp nhập doanh nghiệp sẽ là một xu hướng mới được các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm. Cùng chung quan điểm, ông Hiroshi Nishiyama, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư Iwakaze nhận xét rằng lĩnh vực mua bán sáp nhập tại Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, đặc biệt trên các lĩnh vực dịch vụ, đào tạo và công nghiệp phụ trợ.
Tuy nhiên, ông Nishiyama cho rằng các thương vụ mua bán sáp nhập giống như các cuộc kết hôn nên cần có thời gian để hai bên tìm hiểu kỹ về nhau, nhất là trong bối cảnh các thông tin về nhiều doanh nghiệp Việt Nam không đầy đủ và rõ ràng. Theo ông Nishiyama, “khó khăn nhất là việc các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn biết rất ít về doanh nghiệp Việt Nam. Ở đây, cần có vai trò của các nhà tư vấn tài chính để làm rõ mục đích các bên trong thương vụ, tỷ lệ quyền mỗi bên. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tập hợp đầy đủ số liệu khi muốn kêu gọi nhà đầu tư Nhật Bản. Do đó, các nhà tư vấn tài chính có vai trò quan trọng trong các thương vụ mua bán sáp nhập.”
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn để phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Đây sẽ là nền tảng quan trọng thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức mua bán sáp nhập doanh nghiệp./.