Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) vừa công bố kết quả “Điều tra về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Châu Á-Châu Đại Dương” lần thứ 26.

Theo đánh giá của ông Hirokazu Yamaoka - Trưởng Đại diện JETRO tại Hà Nội, năm 2011-2012 là 2 năm liên tiếp ghi kỷ lục mới, cao nhất về đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam.

“Đầu tư vào Việt Nam của Nhật Bản đang ở cục diện cao, và hiện là sự bùng nổ lần thứ 3. Mặt khác, nếu xét đến các khía cạnh như nền kinh tế bất ổn của Việt Nam, về môi trường đầu tư của Việt Nam cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, thiếu nguồn nhân lực cũng như kỹ năng trong công việc, về phía Nhật Bản có sự biến động của môi trường kinh tế thế giới, nên cũng có những quan điểm cho rằng việc tăng cường hơn nữa đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam trong năm 2013 là khá khó khăn” – ông Yamaoka nói.

Cần tăng “khí thế đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam”

Nhìn lại tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ năm 2001, ông Yamaoka cho rằng, chưa xứng tầm với tiềm năng của Việt Nam. “Việc quan trọng cần làm bây giờ đó là đặt ra mục tiêu cho các dự án đầu tư mới ở mức khoảng 20 tỷ USD mỗi năm, chỉ ra phương hướng để tăng cường các nhân tố có lợi và giảm thiểu các nhân tố bất lợi”. Năm 2012, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam chiếm 1/4 tổng số dự án đầu tư mới, tương đương với khoảng 50% tổng số vốn đầu tư. Thách thức quan trọng hiện nay, theo quan điểm của ông Yamaoka, là làm thế nào để thể hiện bằng hành động việc không giảm bớt khí thế đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.

Lấy ví dụ cụ thể về tình hình thu hút đầu tư của các nước trong khu vực, cụ thể là Thái Lan, ông Yamaoka cho biết: Năm 2011, đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nước trên thế giới vào Thái là 904 dự án, tổng số vốn đầu tư khoảng 9,1 tỷ USD. Nếu so sánh với vốn đầu tư FDI vào Việt Nam thì FDI đầu tư vào Thái ít hơn khoảng 20% cả về số dự án và tổng vốn đầu tư. Thế nhưng, nếu chỉ so sánh FDI của riêng Nhật Bản thì FDI của Nhật Bản vào Thái Lan nhiều gấp khoảng 2,3 lần số dự án, và gấp khoảng 2,8 lần tổng vốn FDI của Nhật vào Việt Nam. Ông Yamaoka nhấn mạnh: “Con số này giúp chúng ta hiểu được tại sao Thái Lan thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư FDI từ Nhật Bản như vậy. Đây cũng chính là lý do mà JETRO luôn nói rằng chính phủ Việt Nam cần học hỏi từ những ví dụ của Thái Lan, để có thể không làm giảm đi khí thế đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam”. Kết quả điều tra sau khi phân tích tình hình hoạt động kinh doanh của hơn 4.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Châu Á-Châu Đại Dương, bao gồm khoảng 250 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho thấy: Về dự đoán lợi nhuận kinh doanh năm 2012, tỷ lệ số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam trả lời rằng có lãi là 60,2%, thấp hơn tỷ lệ trung bình 67,5% của ASEAN, tuy nhiên cao hơn so với 57,2% của Trung Quốc.

Về dự đoán tỷ lệ kinh doanh năm 2013 của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, chỉ số sau khi trừ tỷ lệ số doanh nghiệp trả lời rằng tình hình kinh doanh sẽ xấu đi, từ số tỷ lệ doanh nghiệp trả lời rằng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện đạt 34,2 điểm, tăng 13,8 điểm so với năm trước. Kết quả khảo sát này, ông Yamaoka cho rằng: Chính phủ Việt Nam cần tự tin vào tín hiệu lạc quan này và nỗ lực thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Nhiều DN tiếp tục mở rộng kinh doanh

Về phương hướng triển khai công việc trong 1~2 năm tới của các DN Nhật Bản, 57,8% tổng số doanh nghiệp được hỏi trả lời rằng sẽ mở rộng. Số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam trả lời rằng sẽ mở rộng chiếm tới 65,9%, cao hơn so với bình quân. Tuy nhiên, đây là năm thứ 2 liên tiếp tỷ lệ này giảm. Mặt khác, tỷ lệ số doanh nghiệp trả lời sẽ mở rộng tại Thái Lan và Trung Quốc giảm hơn 5 điểm.

Cũng theo khảo sát này, những ngành nghề có tỷ lệ câu trả lời là sẽ mở rộng các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam là thông tin, phần mềm; bán buôn, bán lẻ sản phẩm; hóa học, y tế.

Thách thức lớn nhất về mặt kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Châu Á, Châu Đại Dương đang phải đối mặt và lo ngại là việc tăng lương cho nhân viên, lên tới 71%, đặc biệt là Trung Quốc với 84%, Indonesia 82%, Việt Nam 82%, Thái Lan 78%. Ngoài ra, phí nhân công của Việt Nam nằm ở mức cao hơn so với 17,6% của Trung Quốc và 17% của Thái Lan. Phí nguyên liệu, linh kiện là 62,4%, xấp xỉ bằng so với 62,8% của ASEAN.

Tại Việt Nam, vấn đề về đối thủ cạnh tranh chưa đáng chú ý (cạnh tranh về mặt giá thành), so sánh với các quốc gia khác thì vấn đề về tăng giá cả nội địa hóa linh kiện còn thấp. Tỷ lệ doanh nghiệp trả lời rằng khách hàng chính yêu cầu giảm giá còn thấp. Việc cung cấp linh kiện trong ngành sản xuất chế tạo tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết. Điều này có nghĩa việc khai thác các khách hàng mới ở Việt Nam vẫn còn nhiều khả năng.

Theo kết quả điều tra, nếu xét chi tiết, quốc gia xuất khẩu hàng lớn nhất của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là Nhật Bản với 62,2%, tiếp theo là ASEAN, Trung Quốc và Mỹ chiếm khoảng 5%./.