Ông Don Lam, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ đầu tư VinaCapital cho biết, hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm tới thị trường chứng khoán Việt Nam.
PV: Thưa ông, đâu là yếu tố thuận lợi cho nhà đầu tư chứng khoán nước ngoài trong tình hình hiện nay của Việt Nam?
Ông Don Lam: Hiện nay, kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang rất ổn định, thị trường chứng khoán (TTCK) có sự tăng trưởng, 12 tháng vừa qua tăng 20%. Bên cạnh đó, chính sách của Việt Nam ngày càng thông thoáng nên nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đầu tư vào thị trường Việt Nam.
PV:Với những yếu tố thuận lợi đó, ông đánh giá như thế nào về cơ hội của các nhà đầu tư nước ngoài?
Ông Don Lam:Nhà đầu tư đang rất quan tâm đến doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) cổ phần hóa (CPH). Nhiều nhà đầu tư cho biết, họ đang chờ đợi từ nay đến cuối năm 2014 có bao nhiêu DNNN sẽ CPH.
Các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm tới các lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, hàng tiêu dùng. Ngoài ra, một số nhà đầu tư, như nhà đầu tư Nhật Bản, rất quan tâm tới các dự án hạ tầng, nhà máy phát điện, đặc biệt là một số nhà máy phát điện có kế hoạch CPH và IPO cuối năm nay, ví dụ như Tổng Công ty điện lực của Vinacomin.
Ông Don Lam:Ngày càng nhiều nhà đầu tư vào với vốn dài hạn giúp lấp khoảng trống về vốn dài hạn mà Việt Nam đang thiếu để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng. Một số DN sau khi CPH có vốn của các nhà đầu tư nước ngoài đã phát triển rất tốt, có tác động tích cực tới hoạt động của ngành.
PV:Hiện có tình trạng phổ biến là DN có thể CPH song không nhất thiết phải niêm yết trên sàn chứng khoán, ông có nhận định gì về xu hướng này?
Ông Don Lam:Một số DNNN của Việt Nam khi mới CPH chỉ phát hành cổ phiếu ra ngoài rất thấp, tôi không hiểu lý do vì sao, có thể do họ ngại nên mới bán từ từ.
Song, đối với nhà đầu tư nước ngoài lớn, nếu DN phát hành cổ phiếu ít họ sẽ không tham gia vì lo ngại không có tính thanh khoản, do đó DN nên phát hành cổ phiếu ít nhất từ 25-30% để có một số thanh khoản nhất định.
Theo quy định là trong vòng 12 tháng sau khi CPH, DN phải niêm yết TTCK, tuy nhiên có rất ít DN Việt Nam thực hiện điều này. Nhà đầu tư rất mong sau khi CPH công ty cần niêm yết trên TTCK để tăng tính minh bạch và thanh khoản của công ty đó.
Điều này vừa tốt cho TTCK vừa tốt cho DN. Khi lên sàn vừa có thể huy động vốn vừa tạo sự minh bạch, áp lực buộc công ty phải nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
PV:Hiện nhà đầu tư gặp khó khăn gì khi đầu tư tại TTCK Việt Nam?
Ông Don Lam:Khó khăn không còn nhiều, nhưng do tỷ lệ cổ phiếu dành cho nhà đầu tư nước ngoài của nhiều DNNN khi CPH không còn nên hầu như nhà đầu tư không có cơ hội tiếp cận và mua được cổ phiếu của các DN CPH đó. Bên cạnh đó, việc mở tài khoản đầu tư tại Việt Nam khá mất thời gian. Việt Nam nên giảm bớt thủ tục, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
PV: Thưa ông, hiện tại mức độ quan tâm của nhà đầu tư tới TTCK và thị trường bất động sản Việt Nam như thế nào?
Ông Don Lam:Hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn tới TTCK bởi hai lý do. Thứ nhất, thị trường bất động sản có độ trễ 12-18 tháng so với TTCK, thường sau khi TTCK tăng thì thị trường bất động sản mới tăng. Thứ hai, trong thời điểm hiện nay thị trường bất động sản không có tính thanh khoản cao./.