Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đưa 30.000 tấn đường sản xuất từ Lào về Việt Nam tinh luyện rồi tái xuất đã gặp sự phản đối kịch liệt của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, còn Bộ Công Thương lại đang “bỏ ngỏ” khả năng đồng ý với đề xuất này.

images749725_an_khe.jpg

Trong khi đó, các chuyên gia lại cho rằng cần nhìn xa hơn về bức tranh ngành mía đường Việt Nam trong bối cảnh hội nhập. Việc 1 doanh nghiệp muốn nhập đường về Việt Nam với giá rẻ hơn, chính là lời cảnh báo cho các doanh nghiệp trong nước trước áp lực cạnh tranh gay gắt sắp tới?

Tại buổi họp báo mới đây, Bộ Công thương khẳng định, hiện chỉ duy nhất Công ty đường Biên Hoà có nhà máy chế biến đường tinh luyện từ đường thô, nên việc nhập khẩu đường thô sản xuất tại Lào để gia công, rồi xuất khẩu toàn bộ qua cửa khẩu phụ sang Trung Quốc thì không ảnh hưởng đến việc tiêu thụ mía cho nông dân và cung cầu ở nội địa.

Bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu khẳng định: Việc nhập khẩu đường thô để sản xuất gia công đường tinh luyện sẽ có sự giám sát chặt chẽ của các bộ ngành, cơ quan hải quan, UBND tỉnh Lào Cai, nhằm đảm bảo xuất khẩu toàn bộ đường thô nhập khẩu để tinh luyện, không để thẩm lậu vào thị trường nội địa ảnh hưởng đến cung cầu thị trường đường sản xuất trong nước. Đây mới là đề xuất của Bộ Công Thương và đang xin ý kiến các bộ quản lý có liên quan. Sau khi tập hợp ý kiến của các bộ này thì Bộ Công Thương mới báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét quyết định.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp Hội Mía Đường Việt Nam, ông Nguyễn Thành Long, lại cho rằng, nếu cho HAGL bán đường sang Việt Nam để tinh luyện rồi xuất qua cửa khẩu Bản Vược (Lào Cai) có thể gây thiệt hại cho các nhà máy đường trong nước cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu nông dân trồng mía, hàng vạn công nhân lao động tại các nhà máy đường.

Bởi theo ông Long, trong bối cảnh lượng đường trong nước tồn kho cao (niên vụ 2013 - 2014 có thể tồn kho lên đến 600.000 tấn), đường nhập lậu giá rẻ từ Thái Lan tràn vào, khiến tiêu thụ của các nhà máy sản xuất đường trong nước càng thêm khó khăn, thì việc xuất khẩu đường qua cửa khẩu phụ sang Trung Quốc là cách để các nhà máy sản xuất trong nước giảm tồn kho.

Nhưng nay, con đường này có nguy cơ hẹp lại, bởi HAGL sản xuất mía tại Lào với chi phí chỉ bằng 1/3 ở Việt Nam, nên giá rẻ hơn hẳn. Ngoài ra, thực tế thời gian qua, rất khó kiểm soát hoạt động tái xuất. Nhiều trường hợp doanh nghiệp quay lại tiêu thụ trong nước, xáo trộn thị trường nội địa.

Do vậy, Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị: Trước mắt Chính phủ nếu cho HAGL đưa về tạm nhập tái xuất thì phải xuất khẩu chính ngạch có kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng. HAGL không xuất khẩu theo đường Lào Cai vì ở đó đường nhỏ hẹp không chính thức. Chỉ có những nhà máy đường Việt Nam trong chế biến sản xuất ra không tiêu thụ được mới đi đường đó. Ngoài ra, HAGL nên xuất sang các thị trường khác, để không làm khó khăn thêm ngành mía đường Việt Nam.

Trong khi chưa có quyết định cuối cùng từ phía cơ quan chức năng, nhiều chuyên gia cho rằng, từ câu chuyện này cần nhìn xa hơn về tương lai của ngành mía đường Việt Nam. Nhất là từ năm 2015, khi gia nhập cộng đồng kinh tế chung ASEAN, thuế suất của khu vực bị bãi bỏ, đường của các nước, đặc biệt là từ Thái Lan tràn vào Việt Nam với giá rẻ hơn. Khi ấy, các doanh nghiệp mía đường Việt Nam sẽ đứng ở đâu trong cuộc cạnh tranh?

Thực tế hiện nay, sản xuất mía đường của Việt Nam còn nhỏ lẻ, năng suất thấp, công nghệ lạc hậu…dẫn đến giá thành sản xuất  cao, khả năng cạnh tranh kém, còn người tiêu dùng phải chịu thiệt.

Ông Trần Công Thắng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng, không thể bảo hộ mãi cho ngành đường. Câu chuyện nhập khẩu đường của HAGL chính là lời cảnh báo cho doanh nghiệp ngành đường trong nước.

“Nhìn xa hơn có thể thấy, khi Việt Nam hội nhập vào thị trường bắt buộc phải giảm thuế để tuân thủ những quy định của quốc tế như trong AFTA, TPP. Bản thân doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị trước áp lực cạnh tranh. Ngành đường mặc dù còn yếu nhưng Nhà nước cũng không thể bảo hộ mãi được do vậy cần phải quy hoạch lại, hỗ trợ những vùng, nhà máy sản xuất có hiệu quả”, ông Thắng nói.

Có một thực tế, hiện nay, giá đường bán lẻ trong nước khi đến tay người tiêu dùng vẫn còn cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, thậm chí đang cao hơn Thái Lan đến 30%. Có lẽ, đã đến lúc cần một sự đổi mới trong cơ chế, chính sách cũng như có chiến lược lâu dài cho ngành mía đường Việt Nam.

Việc thay đổi có lẽ phải được thực hiện trước hết là ở thay đổi tư duy lãnh đạo doanh nghiệp, đầu tư cải tiến công nghệ, quản lý, liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, để người nông dân có thể yên tâm với cây mía, các nhà máy đường đủ sức cạnh tranh, còn người tiêu dùng thì sẽ được dùng đường với giá cả phù hợp./.