Tham gia thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước tại Nghị trường sáng nay (9/6), đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) đã đề cập đến việc tiếp cận gói tín dụng cho doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao.

nguyen_anh_tuan_kwkm.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh

Nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh: "Chúng ta xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế nhưng trụ đỡ này đang ngày càng yếu dần do biến đổi khí hậu, nguồn nước bị đe dọa bởi xâm nhập mặn, hiện tượng được mùa mất giá, liên tục phải đưa ra các đợt giải cứu nông sản".
Chính vì thế, theo ông Tuấn, chủ trương đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao của Chính phủ là con đường tất yếu và đúng đắn.
Đại biểu Tuấn Anh đề nghị mở rộng và nới các tiêu chuẩn để doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận được gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao 100.000 tỷ.

Tuy nhiên, ông Tuấn nêu thực tế: Khi tiếp xúc với một doanh nghiệp triển khai trồng dưa lưới công nghệ cao thì để đầu tư ngành này cần lượng vốn lớn từ 6-15 tỷ đồng/ha, song hiện chưa có căn cứ hay chính sách cụ thể để doanh nghiệp tiếp cận vay vốn đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.

Khó khăn tiếp cận vốn

Vừa qua Chính phủ đưa ra gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao 100 nghìn tỷ nhưng để tiếp cận được rất khó khăn. Doanh nghiệp phải có 3 năm hoạt động trong lĩnh vực, phải chứng minh được hoạt động trong nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, phải nằm trong vùng quy hoạch,…, ông Tuấn cho hay.

Công nghệ tưới tiêu hiện đại trong nông nghiệp (Ảnh: CNBC)

Vì vậy đại biểu đoàn Bình Phước đề nghị mở rộng và nới các tiêu chuẩn để doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng. Ngoài ra cần sớm xác lập quyền tài sản trên đất nông nghiệp để doanh nghiệp có cơ sở vay vốn.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng đề xuất giảm lãi suất cho vay, tăng cường giao đất cho doanh nghiệp làm ăn chân chính và có hiệu quả, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Đại biểu Anh Tuấn gợi ý: Cần tăng cường các kênh thông tin để doanh nghiệp tiếp cận đồng thời tăng cường dự báo tình hình cung cầu thế giới để hạn chế tình trạng đầu tư tràn lan, cung vượt cầu dẫn đến được mùa mất giá, được giá mất mùa, gây ra nợ xấu - "cục máu đông" trong nền kinh tế./.