Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến ngày 15/11, Việt Nam đã xuất khẩu 6,726 triệu tấn gạo, trị giá 3,067 tỷ USD.

Hiện giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 6.000 – 6.100 đ/kg, lúa dài khoảng 6.150 – 6.250 đ/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.950 – 8.050 đ/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 7.800 – 7.900 đ/kg tùy chất lượng và địa phương.

Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 9.000 – 9.100 đ/kg, gạo 15% tấm 8.700 – 8.800 đ/kg và gạo 25% tấm khoảng 8.400 – 8.500 đ/kg tùy chất lượng và địa phương.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng lúa cả năm 2012 ước đạt 42,5 - 42,8 triệu tấn, tăng khoảng 1 triệu tấn so với năm 2011. Theo đó, sản lượng gạo hàng hóa có thể xuất khẩu là 7,5 - 7,7 triệu tấn.

Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ngày 21/11, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, giá gạo xuất khẩu trung bình vẫn tăng trong những tháng qua. Cụ thể, tháng 10/2012 đạt mức 445 USD/tấn, tăng gần 1% so với tháng 9 (440 USD/tấn) và khoảng 12,6% so với tháng 7 (395 USD/tấn).

Tuy nhiên, ông Trương Thanh Phong cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện nay đang gặp khó khăn do thiếu hợp đồng với số lượng lớn, xuất khẩu chủ yếu thông qua hợp đồng thương mại, số lượng nhỏ, giá thấp và rủi ro cao.

Dự kiến năm 2013, xuất khẩu gạo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do nguồn cung dồi dào, nhu cầu sụt giảm, đồng thời có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nguồn cung (Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan và Myanmar). Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang trong tình trạng thiếu hợp đồng gối đầu trong quý I/2013.

Theo Báo Công Thương, VFA đã kiến nghị Bộ Công Thương tăng cường công tác xúc tiến thương mại cấp quốc gia, nhất là với các nước khu vực châu Phi có nhu cầu nhập khẩu gạo thường xuyên để ký kết các thỏa thuận thương mại gạo theo các hợp đồng Chính phủ, hạn chế mua bán thương mại qua trung gian. Nhà nước nên tạo điều kiện tín dụng thông thoáng và giảm lãi suất để giúp DN kinh doanh xuất khẩu./.