Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa chính thức công bố Báo cáo đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam – Kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2011. Báo cáo mô tả các kết quả chính và những khuyến nghị chính sách được đưa ra từ cuộc điều tra DNNVV năm 2011.
Khảo sát được thực hiện với 2.449 DNNVV ở 10 tỉnh, thành lớn, trong đó có Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng… Trước đó, vào các năm 2005, 2007, 2009 CIEM và các cộng sự cũng đã thực hiện cuộc điều tra, khảo sát và có các báo cáo tương tự.
Số lượng DN hối lộ đã tăng lên
Nghiên cứu chỉ ra rằng, các DN gia đình, hộ gia đình không đóng góp nhiều cho hệ thống thuế. Hầu hết doanh nghiệp không đóng thuế là DN hộ gia đình phi chính thức. Tính phi chính thức và thuế có mối quan hệ chặt chẽ với hoạt động hối lộ và tham nhũng và là các nhân tố chính trong môi trường kinh doanh của một số quốc gia. Theo khảo sát, 34% số DN có các khoản chi phí phi chính thức trong năm 2009 và con số này tăng lên 38% trong năm 2011. Điều này cho thấy rằng, số lượng DN hối lộ đã tăng lên đáng kể từ năm 2007. Cũng cần lưu ý rằng, DN chính thức chi hối lộ là chủ yếu. Điều này cho thấy, các DN Việt Nam hiện nay vẫn phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng về việc phải chi các khoản phi chính thức “để được việc”.
30% số DN thực hiện các khoản thanh toán không chính thức để đối phó với các cơ quan thuế trong năm 2011, tăng lên so với tỷ lệ 26% trong năm 2009. Gần 26% các khoản chi phi chính thức có liên quan đến các dịch vụ công (tăng lên so với tỷ lệ 20% trong năm 2009).
DN lớn có xác suất chi hối lộ cao hơn khoảng 10% so với các DN siêu nhỏ. |
Cuối cùng, quay về câu hỏi, những DN nào chi hối lộ? Thứ nhất, các DN lớn có xác suất chi hối lộ cao hơn khoảng 10% so với các DN siêu nhỏ. Thứ hai, DN có đăng ký có mối tương quan thuận chiều và chặt chẽ với việc chi hối lộ. Các DN có đăng ký có xác suất chi hối lộ cao hơn 22-23% so với các DN phi chính thức. Cuối cùng, các DN tại miền Nam có tỷ lệ chi hối lộ thấp hơn so với các DN cùng đặc tính tại miền Bắc.
Nghiên cứu về mối quan hệ giữa đưa hối lộ và sự biến động của DN (tăng trưởng việc làm và thoát khỏi thị trường), thì DN chi hối lộ khôg mở rộng lực lượng lao động của mình nhiều hơn so với các DN không chi hối lộ. Bên cạnh đó, các DN chi hối lộ có xác suất thoát khỏi thị trường cao hơn (3%).
Theo nhận xét của TS Phạm Thị Thu Hằng (VCCI), báo cáo đã đưa ra một phát hiện hết sức bất ngờ là: Các DN bỏ ra nhiều chi phí không chính thức (hối lộ) không tạo ra nhiều lao động hơn các DN không đưa hối lộ. Phải chăng, hàm ý ở đây là những DN làm ăn không bài bản, có vẻ như sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc phải bỏ ra các chi phí không chính thức. Ngược lại, các DN làm ăn chân chính cũng vẫn có thể phát triển bình thường. Điều này cũng chứng tỏ môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã có rất nhiều cải thiện những năm gần đây.
Chia sẻ quan điểm này, GS John Rand khẳng định: Mức độ chính thức hóa của DN tăng lên thì nguồn thu thuế cũng sẽ tăng lên nhưng một số DN trả phí phi chính thức cho cơ quan thuế để trốn thuế. Nếu là thật như vậy thì có hại cho xã hội. Chính phủ nên đưa ra chính sách để khắc phục tình trạng này.
Nhu cầu vốn của DN nhỏ rất cao
Khó khăn trong thị trường tín dụng được các DN xem như rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của các DNNVV tại Việt Nam.
Tương tự các điều tra DNNVV trước (năm 2007, 2009, 2011) của CIEM), tỷ lệ nợ của các DN Việt Nam là rất thấp, có thể là do hạn chế thanh khoản và hạn chế trong tiếp cận tài chính. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ so với tài sản thấp của các DNNVV Việt Nam phù hợp với kết quả là tỷ lệ lớn đầu tư có nguồn gốc từ lợi nhuận giữ lại.
Báo cáo đã nêu một thực trạng trong tiếp cận tín dụng, đó là số lượng DN có khoản vay phi chính thức cao gấp đôi số lượng DN có khoản vay chính thức. Các khoản vay phi chính thức của DNNVV có giá trị nhỏ nhưng lại là một cấu thành thường xuyên trong kế hoạch tài chính của các DN. “Điều này, một lần nữa khẳng định, nhu cầu tín dụng của các DNNVV rất cao; các rào cản tín dụng đối với DNNVV chưa được tháo gỡ” – TS Hằng nói.
Một số DN không nộp hồ sơ xin vay tín dụng chính thức vẫn có thể gặp khó khăn tín dụng. Lý do là họ cảm thấy không có nhu cầu. Các DN này không thể được xếp vào nhóm các DN có khó khăn tín dụng.
Đáng báo động là tỷ lệ DN cải tiến sản phẩm có xu hướng giảm. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà thị trường của các DNNVV chủ yếu là thị trường nội địa và vấn nạn hàng nhập lậu vẫn còn nhức nhối thì việc cải tiến sản phẩm để chiếm lĩnh các thị trường này và thị trường ngách là vô cùng quan trọng. “Nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài thì rất có thể các DNNVV sẽ phải sớm rút lui khỏi thị trường. Thực tế, những tháng đầu năm vấn đề hàng tồn kho đã khiến trên 42.000 DN phải ngừng hoạt động và giải thể”- TS Hằng nói.
Từ các kết quả khảo sát trên, GS John Rand – Trường Đại học Copenhagen (Đan Mạch) khuyến nghị, cần cố gắng hơn để biến DN phi chính thức thành chính thức. Một thực tế là DN không muốn vay vốn để mở rộng sản xuất vì muốn mãi là vi mô để có nhiều lợi thế hơn.
Trong tình hình khó khăn hiện nay, TS John Rand cũng khuyến nghị, nên hướng sự quan tâm đến các DN siêu nhỏ. Vì đây là lực lượng quan trọng trong giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo./.