Sáng 28/6, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức hội nghị “Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp – nông dân – nông thôn”. Đến dự có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Thực hiện chủ trương “Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng” theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến nay, ngành đã xây dựng và ban hành 12 Đề án và Kế hoạch cụ thể hóa định hướng và giải pháp tái cơ cấu trong các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, chế biến, thủy lợi….

Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT cũng đã phê duyệt 24 quy hoạch phục vụ tái cơ cấu. Trong đó, có 17 quy hoạch trên cả nước, 7 quy hoạch vùng, khu vực địa bàn cụ thể. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã có hàng trăm doanh nghiệp là các Tập đoàn lớn, công ty liên kết với nông dân sản xuất hàng hóa trên diện tích 400.000 ha….

doanh_nghiep_dau_tu_vao_nong_nghiep_2_hfsb.jpg
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định: Doanh nghiệp là nòng cốt trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đầu tư tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn thời gian qua còn rất hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng, cũng như nhu cầu phát triển của ngành. Hiện tỷ trọng doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp năm ngoái chỉ chiếm 1,01% trong tổng số doanh nghiệp trên cả nước, chủ yếu là quy mô nhỏ. Liên kết “4 nhà” trong chuỗi giá trị còn chưa chặt chẽ dẫn đến chi phí cao, khả năng cạnh tranh thấp; Đầu tư công – tư mới ở giai đoạn thí điểm, quy mô nhỏ nên doanh nghiệp chưa mặn mà…

Một số ý kiến đề xuất, vướng mắc của doanh nghiệp đã một phần được tháo gỡ trong thời gian qua nhưng những vướng mắc về đất đai, cơ sở hạ tầng, chính sách tín dụng, xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ cần phải có sự tham gia tích cực giải quyết của liên ngành các Bộ.

Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, tái cơ cấu ngành nông nghiệp cùng với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là 2 cuộc cách mạng của nông nghiệp, nông thôn. Để thực hiện 2 chương trình này cần sự tham gia tích cực của tất cả các thành phần kinh tế từ Trung ương đến địa phương, trong đó Nhà nước giữ vai trò là người kiến tạo, nông dân là chủ thể và doanh nghiệp có vai trò nòng cốt quan trọng.

“Đây là diễn đàn quan trọng kết nối các doanh nghiệp đang đầu tư hoặc có ý định đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với các cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức quốc tế. Là dịp để Chính phủ, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương thể hiện quyết tâm đồng hành cao cùng với các doanh nghiệp trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn”, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định.

Phát biểu gợi ý tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Để tăng cường hơn nữa sự đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, cần nhìn nhận lợi thế và phân tích những điểm yếu của ngành nông nghiệp trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội nói chung và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. 

Trên cơ sở đó, đề ra những giải pháp trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về thể chế tài chính, tín dụng ngân hàng cũng như các cơ chế đầu tư thu hút doanh nghiệp để đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào nông nghiệp, nông thôn./.