Đa số các ý kiến cho rằng, việc Quốc hội sửa đổi bổ sung một số luật trong thời gian qua đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, trong qua trình thực hiện, cũng còn 1 số vướng mắc.

Theo Thông tư 09/2021 của Bộ Tài nguyên – Môi trường, doanh nghiệp muốn đầu tư phải có phương án sử dụng đất theo quy hoạch, nhưng đến nay phần lớn đất ở Tây Nguyên có nguồn gốc đất từ nông lâm trường dù giải thể, thu hồi có thể cấp cho doanh nghiệp đầu tư nhưng rất khó khi chưa có thông tư hướng dẫn về giá cho các nhà đầu tư, nhà tư vấn làm phương án sử dụng đất.

Ông Lê Hoàng Cơ, cố vấn Hội doanh nhân TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk mong muốn, Bộ Tài Nguyên Môi trường sớm có hướng dẫn thực hiện những giá cả, định mức để các đơn vị tư vấn làm được các phương án đền bù đất đai, phương án sử dụng đất,… khi đó các nhà đầu tư mới vào được. “Từ năm 2021 đến nay, các nhà đầu tư muốn đầu tư vào Tây Nguyên đều vướng mắc ở vấn đề này”, ông Cơ nêu.

Băn khoăn về thời hạn kết thúc hợp đồng mua bán điện giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam với các nhà máy thuỷ điện có công suất nhỏ dưới 30MW, sau 20 năm ký kết sắp hết hạn, cử tri Nguyễn Nguyệt Phương, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân thành phố Buôn Ma Thuột kiến nghị, dự án thuỷ điện quy định giao đất cho chủ đầu tư nhưng hợp đồng mua bán điện chỉ có 20 năm, giờ chỉ còn có 2 năm là hết. “Do vậy các chủ đầu tư nhà máy thuỷ điện công suất dưới 30MW mong muốn Chính Phủ, cụ thể là Bộ Công Thương sớm ban hành thông tư hướng dẫn cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục gia hạn hợp đồng mua bán điện đối với nhà máy thuỷ điện có công suất dưới 30MW”, cử tri này cho biết.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri cũng kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung, như kế hoạch phát triển các tuyến cao tốc, quy hoạch phát triển nghề nuôi chim yến, cổ phần hoá đối với các công ty nông lâm trường…