Doanh nghiệp trong nước cũng như ở thành phố Đà Nẵng yếu, lại tái cơ cấu chậm, nếu không chủ động, các doanh nghiệp VIệt Nam có thể lâm vào tình thế sụt giảm năng lực cạnh tranh.

Đó là những thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Chiến lược chuyển đổi của doanh nghiệp - thách thức và cơ hội mới 2014-2015” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố phối hợp tổ chức sáng 3/10.

Theo lộ trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thời gian tới, thị trường mở cửa, rào cản thuế quan không còn bị ràng buộc, hàng hóa của các nước trong khu vực, trên thế giới cũng như làn sóng đầu tư nước ngoài sẽ tác động mạnh đến doanh nghiệp trong nước.

day_chuyen_san_xuat_o_to_retw.jpgDây chuyền sản xuất ô tô của một doanh nghiệp tại Đà Nẵng
Đến thời điểm này, thành phố Đà Nẵng còn 15.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 99%. 6 tháng đầu năm nay, 1.200 doanh nghiệp ở thành phố này phải giải thể hoặc tạm dừng hoạt động do tác động của thị trường, thiếu vốn sản xuất...

Các ý kiến tại hội thảo đều chỉ ra rằng, hiện nay, doanh nghiệp trong nước cũng như ở Đà Nẵng chưa chuẩn bị tâm thế cho quá trình hội nhập WTO; năng lực bộ máy yếu và nặng nề. Đặc biệt, các cơ chế, chính sách chưa phù hợp trong giai đoạn mới. 

PGS TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, doanh nghiệp Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ phải vật lộn trong giai đoạn tới bởi xuất phát điểm thấp, lại có quy mô nhỏ. Ông Thiên nói: “Cái khó là doanh nghiệp của mình càng ngày xu hướng nhỏ hóa doanh nghiệp. Chúng ta vốn xuất phát điểm thấp, quy mô lại nhỏ nữa nên khi cạnh tranh thực lực cạnh tranh rất khó. Thời gian tới, cạnh tranh gay gắt hơn do mở cửa, sức khỏe của ta chưa hồi phục cho nên cả doanh nghiệp tư nhân lẫn doanh nghiệp Nhà nước đều phải vật lộn để tiến lên”./.