Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên thế giới, nhiều nước coi doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) là xương sống trong chiến lược phát triển kinh tế.Tại Việt Nam, khối DN này đang thể hiện sức dẻo dai, chịu được những cú sốc trong khủng hoảng vừa qua. Tuy nhiên, sức cạnh tranh còn chưa cao, sự gắn kết giữa DN này với nhau và với các DN lớn còn chưa chặt chẽ. 
Đội ngũ lớn, sức cạnh tranh yếu
Theo khảo sát của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch&Đầu tư), chính thức được thừa nhận từ năm 2001, tính đến cuối tháng 6/2012, trên cả nước có 658.645 DNVVN đăng ký thành lập, trong đó 468.023 doanh nghiệp đang hoạt động (chiếm khoảng 71,1%). Số DNVVN tính theo tiêu chí lao động qua từng năm tăng trung bình 22,11%/năm (nếu năm 2000 chỉ có hơn 38.000 DN thì đến 2010 đã lên trên  283.000). 
thucong1.jpg
Hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa (Ảnh: Báo DNSG)
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ KHĐT) đánh giá, đây là tỷ lệ tương đối cao so với nhiều niền kinh tế khác. Song, trong môi trường hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các chuyên gia kinh tế lo ngại đội ngũ DN này đang ngày càng gặp nhiều khó khăn.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, khối doanh nghiệp này tư duy và năng lực chủ động, sáng tạo, thích ứng trong hội nhập quốc tế chưa cao; thiếu tầm nhìn và “mặc dù có thể thấy cần phải thay đổi chiến lược, nhưng làm thế nào thì không dễ, không rõ ràng”- bà Lan nhấn mạnh. 
Nhiều chuyên gia còn đánh giá, khối DN này đang vướng ở tính liên kết nội bộ, và liên kết với các đối tác kém, chưa hình thành mạng kinh doanh hữu hiệu. Bà Phạm Chi Lan phân tích: Vì 3 lực lượng DN hoạt động trong những điều kiện khác nhau rất cơ bản. Bà Lan lấy ví dụ, DNNVV, DN tư nhân thường hoạt động trong điều kiện khó khăn nhiều nhất, thiệt thòi nhiều nhất, bị phân biệt đối xử nhiều nhất. Trong khi doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được rất nhiều ưu đãi, khả năng tiếp cận các nguồn lực là rất lớn với những điều kiện rất dễ. Còn các DN đầu tư nước ngoài cũng được một môi trường kinh doanh tốt hơn rất nhiều, ưu đãi cũng lớn hơn rất nhiều từ phía Nhà nước dành cho họ so với  các DN trong nước. 
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Hoa Cương cũng chỉ ra thêm rằng, khối DNVVN của Việt Nam hiện nay còn gặp nhiều khó khăn như: Khả năng tiếp cận tài chính yếu, khả năng tiếp cận thông tin hạn chế, kỹ năng lao động chưa cao, năng lực công nghệ ở trình độ thấp, trình độ và năng lực quản lý còn hạn chế…
Bà Phạm Chi Lan thì đặc biệt lưu ý: Có khá nhiều chính sách ưu đãi, nhưng hầu  hết là chính sách trên giấy, đi vào cuộc sống không nhiều nên chưa tạo được cho DNVVN Việt Nam vị thế để liên kết với DN khác, nhất là với các DN lớn của các nhà đầu tư nước ngoài hoặc các DNNN trong nước.    
Cần thoát tư duy “buôn thúng bán mẹt”
Đánh giá về tiềm năng của DNVVN Việt Nam, ông Nguyễn Hoa Cương cho rằng: Doanh nghiệp Việt Nam nói chung, DNVVN nói riêng, không hề khó khăn về ý tưởng, có rất nhiều DN, trong nhiều ngành nghề khác nhau, đều có những sáng kiến rất hay. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp chỉ dừng lại ở sáng kiến, chưa có hạ tầng đủ để hỗ trợ cho thực hiện sáng kiến.
Ông Cương lấy ví dụ so sánh qua trường hợp một người tại TP HCM mà ông biết, từng mất 7 năm suy nghĩ để phát triển sản phẩm với chi phí hoàn thành chỉ 1 USD, trong khi cùng sản phẩm này bán tại Mỹ có giá tới 70 – 100 USD. Nhưng bản thân người này cảm thấy nỗ lực của cá nhân bỏ ra quá nhiều để tìm cách bán sản phẩm này ra nước ngoài. 
Gốm sứ Bát Tràng là sản phẩm có được thành công nhờ  DNVVN tại đây biết liên kết tiêu thụ sản phẩm
Thực tế này, ông Cương cho rằng, đó là một phần chứng minh rằng, DN Việt Nam lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn hơn, cần có một hạ tầng hỗ trợ tốt hơn nữa. Công cuộc phát triển DNVVN rất lâu dài, đặc biệt là đi sau có lợi thế là nhìn thấy những trở ngại của các quốc gia đi trước để tìm cách tránh. Tuy nhiên, trước mắt gánh nặng kỳ vọng đè lên vai tất cả các bên, bao gồm cả Chính phủ. 
Câu chuyện của đại diện một DN sản xuất thủ công mỹ nghệ tre, nứa ở huyện Ý Yên, Nam Định cho biết: Mặc dù là làng nghề nổi tiếng với dòng sản phẩm tre, nứa sơn mài, nhưng các sản phẩm đều phải thông qua hệ thống trung gian, không thể tiếp cận trực tiếp khách hàng. Có lúc dân làng nghề này phải mải chạy đua cạnh tranh, kể cả không lành mạnh, nên có lúc cho ra sản phẩm kém chất lượng. Khi sản phẩm ra thị trường, khách hàng thấy chất lượng kém nên lần sau không mua nữa. 
Đáng chú ý, có nhiều công ty kinh doanh lớn không lấy hàng của làng nghề này mà lấy sản phẩm của làng nghề khác, trong khi làng nghề khác được chọn mua sản phẩm đó thực ra lại lấy sản phẩm từ làng nghề này để bán chứ không thực sản xuất. 
Thực trạng này khiến DNVVN tại làng nghề này thấy bế tắc, thậm chí cảm thấy sự “bất công” trên thương trường. Tuy nhiên, theo bà Phạm Chi Lan, đây là chuyện khá phổ biến trong các làng nghề ở Việt Nam. 
Bà Lan thẳng thắn: Hiện nay, đi ra thị trường thế giới mà muốn đi với từng lô hàng nhỏ là rất khó. Nếu theo kiểu lâu nay “buôn thúng bán mẹt” thì có thể chấp nhận được ở chợ làng, nhưng “thử đơn cử khi ra chợ tại Hà Nội, thấy một sản phẩm nào đó mà năm này qua năm khác vẫn giữ y nguyên như thế là không chấp nhận được rồi”. 
Từ đó bà Lan đề xuất, trong nhiều cái khó, muốn tiến lên, bản thân DNVVN, trước hết, phải biết linh hoạt, chủ động thay đổi mẫu mã sản phẩm. Đặc biệt là, nếu là một đơn vị nhỏ đi ra thị trường thế giới thì không thể nào đáp ứng được thị trường đó. Nhưng nếu biết hợp lại với nhau, cùng nhau suy nghĩ để thiết kế ra một số mẫu mới và thử nghiệm thị trường mà thấy được, nếu có cam kết với khách hàng đặt hàng vài ngàn chiếc có thể có ngay thì mới có  thể cung cấp được cho khách hàng thu mua lớn bên ngoài, tức là tăng cơ hội hợp tác. 
Bởi vì thực tế, mỗi lô hàng nhỏ trong chuỗi logictics sẽ chịu chi phí lớn, nhưng nếu lô hàng lớn, chi phí sẽ giảm đi nhiều. Dẫn chứng thành công từ làng nghề Bát Tràng, bà Lan cho biết: Bát Tràng phất lên được là nhờ biết liên kết với nhau, trong đó vẫn phải có một số DN dẫn đầu chứ không thể dàn hàng ngang cùng tiến./.