Tại vùng Đất Mũi - Cà Mau, với thế mạnh xuất khẩu thủy sản các doanh nghiệp giờ đây như “ngồi trên lửa”. Doanh nghiệp đang cầu cứu các cơ quan chức năng hỗ trợ để tồn tại và vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Minh Cường chuyên về xuất khẩu mặt hàng tôm đông lạnh tại Cà Mau. Trước đây, những tháng cao điểm công ty xuất khẩu 30 container còn bình thường cũng khoảng 15 container. Tuy nhiên, 2 tháng qua, mỗi tháng công ty chỉ xuất được 5 container. Còn so với cùng kỳ, sản lượng hàng xuất khẩu chỉ bằng 40%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Minh Cường lý giải là do thị trường xuất khẩu ngày càng bị thu hẹp. Cả 2 thị trường lớn nhất của đơn vị là EU và Hàn Quốc hiện gần như bị đóng băng hoàn toàn.

vov_cac_doanh_nghiep_xuat_khau_tom_cua_ca_mau_dang_gap_kho_khan_do_dau_ra_ngay_cang_bi_co_hep_qajg.jpg
Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Cà Mau đang gặp khó khăn do đầu ra ngày càng bị thu hẹp.

Hàng tháng, doanh nghiệp này vẫn phải đều đặn gánh chi phí hoạt động gần 4 tỷ đồng, trong đó, tiền điện mất đến 400 – 500 triệu đồng. Cũng vì vậy, lãnh đạo công ty đã có văn bản gửi Điện lực tỉnh Cà Mau đề nghị được giãn nộp tiền điện. Đơn vị này không nhận được hồi âm mà thay vào đó nhận được giấy thông báo ngừng cấp điện.

“Bên Sở Công thương cho biết điện lực sẽ hỗ trợ. Tôi nói phòng tổ chức đưa đơn xuống để xin lùi thời gian đóng tiền điện. Hai bữa sau điện lực thông báo cúp điện. Tôi không hiểu bên điện lực làm như thế nào, hỗ trợ doanh nghiệp là hỗ trợ cái gì?”, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Minh Cường đặt câu hỏi.

Trong buổi tọa đàm do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ tổ chức mới đây tại Cà Mau, để ghi nhận khó khăn của doanh nghiệp trong tình hình dịch Covid-19 và hạn hán diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Việt Trung, Trưởng phòng Thương mại - Sở Công Thương Cà Mau cho biết, trên địa bàn tỉnh Cà Mau chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên rất “nhạy cảm” với tình thế hiện nay.

Trong lĩnh vực chế biến, xuất nhập khẩu thủy sản, kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau đã giảm 15 – 20% so với cùng kỳ. Thời gian tới, dự báo lĩnh vực này sẽ còn bị ảnh hưởng nặng hơn. Nhiều doanh nghiệp vì không còn khả năng chi trả đã bị ngắt điện, họ phải chạy máy phát điện để duy trì kho lạnh.

Ông Nguyễn Việt Trung cho biết thêm, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 11 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong Chỉ thị, chưa đề cập rõ vai trò của ngành điện. UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo, ngành Công thương đã lên tiếng nhưng chưa giải quyết được vấn đề này. Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 cả hệ thống chính trị và mọi người đều vào cuộc, ngành điện cũng cần có những đóng góp.

Ngành điện cần có hành động cụ thể chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

“Điện lực vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với những nhà máy chế biến thủy sản, dùng mỗi tháng cả tỷ đồng. Một số doanh nghiệp đã bị cúp điện, đã gửi đơn rồi nhưng khi đụng tới ngành điện thì vặn vẹo đủ thứ. Cần có chính sách tiền điện mạnh mẽ hơn. Trong tình hình hiện nay có thể tạm giãn, giảm tiền điện một thời gian. Bây giờ tiền điện cứ thu đủ, đúng ngày phải trả không thì cúp điện, như vậy ngành điện đóng góp gì trong cuộc chiến này?”, ông Nguyễn Việt Trung nói.

Không chỉ gặp khó khăn về điện mà trong lĩnh vực bảo hiểm hay ngân hàng, nhiều doanh nghiệp tại Cà Mau cũng chưa nhận được hỗ trợ kịp thời. Ông Phạm Công Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Anh Thư (chuyên sản xuất than không khói) cho biết, mặt hàng kinh doanh của công ty phụ thuộc vào hoạt động của hàng quán nhưng chủ trương chung phải đóng cửa nên tình hình kinh doanh rất ảm đạm. Vừa qua, ông nghe nói nhiều về những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng chưa tiếp cận được. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ như ông cầm cự lâu lắm cũng chỉ được vài tháng nên cần có hỗ trợ kịp thời.

“Trong tất cả những tháo gỡ cho doanh nghiệp, cái quan trọng nhất là kịp thời và thiết thực. Nghe nói nhiều nhưng chưa thấy và rất có thể chính sách tới thì doanh nghiệp đã đóng cửa rồi. Tôi thấy rất thiệt thòi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Cà Mau. Như bây giờ doanh nghiệp cần giãn thuế, ngân hàng cũng cần vào cuộc. Doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng mà bị lãi ngân hàng không cũng không chịu nổi”, ông Phạm Công Bằng cho hay.

Hiện dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình sản xuất, kinh doanh trì trệ; các doanh nghiệp đang đối diện với nhiều thử thách. Đặc biệt, với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế. Chính vì vậy, cùng với sự cố gắng vượt qua khó khăn của bản thân các doanh nghiệp, rất cần các cấp, các ngành nhanh chóng vào cuộc tháo gỡ khó khăn./.