Tại tỉnh Bình Định, doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của địa phương này. Ngành chế biến gỗ Bình Định đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt khoảng 960 triệu USD. Năm nay, do ảnh hưởng của suy thoái đang diễn ra ở Mỹ, Châu Âu nên tình hình kinh doanh rất khó khăn. Dự báo doanh nghiệp gỗ sẽ giảm 40% doanh thu so với năm 2021 và đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng cho năm sau.

3 tháng gần đây, lãi suất vay tăng đột biến đã ảnh hưởng đến phương án chi phí, kế hoạch và kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Lúc này, các doanh nghiệp gỗ trông chờ vào gói hỗ trợ 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ nhưng cũng chưa tiếp cận được.

“Các doanh nghiệp trong ngành gỗ chưa ai nhận được khoản hỗ trợ lãi suất này, thực chất có 2 cái vướng. Cái vướng thứ nhất, các doanh nghiệp gỗ sử dụng vốn vay chủ yếu là tiền USD mà trong Nghị định này tiền USD không được hưởng. Thứ 2, kim ngạch xuất khẩu của năm 2021 phải thấp hơn năm 2020 – đây là rào cản khó cho doanh nghiệp làm gỗ. Cái này cũng nên xem xét lại cho ngành gỗ nếu được hưởng lãi suất”, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định mong muốn.

Nghị định 31 của Chính phủ quy định, khoản vay được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2023. Đối tượng được hỗ trợ lãi suất 2% là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với nhiều lĩnh vực được vay. Đã 8 tháng qua, nhưng đến nay, việc giải ngân gói hỗ trợ 2% lãi suất ở tỉnh Bình Định rất chậm.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Bình Định cho thấy, tổng dư nợ của khách hàng trên địa bàn tỉnh Bình Định đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ gần 2.000 tỷ đồng, tương ứng 422 khách hàng.

Ông Nguyễn Trà Dương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Bình Định cho biết, đến nay, mới có 4 khách hàng được hỗ trợ lãi suất, 3 khách hàng đang hoàn thiện hồ sơ và gần 400 khách hàng chưa phản hồi.

“Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới đưa ra nhiều giải pháp. Thứ nhất là tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, thông tin; kiểm tra giám sát chương trình hỗ trợ lãi suất tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp thực hiện không đúng quy định hoặc cố tình tránh né, từ chối hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng đủ điều kiện. Bên cạnh đó, cũng tập hợp khó khăn, vướng mắc để đề xuất, kiến nghị đối với cấp thẩm quyền như UBND tỉnh và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước”, ông Nguyễn Trà Dương cho biết thêm./.