Ngày 25/1 vừa qua, Bộ Tài chính đã có công văn số 1537/BTC- CST gửi Bộ Công Thương về việc lấy ý kiến đối với Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng đồ uống.

Nhằm mục đích đó, chiều 20/2, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã họp lấy ý kiến, góp ý cho dự thảo để Bộ Tài chính làm cơ sở nghiên cứu và đưa ra quyết sách cụ thể nhằm sửa đổi mức thuế suất và khắc phục những tồn tại, bất cập của Luật Thuế TTĐB trước đây đối với mặt đồ uống. Đa số các đại biểu tham dự cuộc họp đều không đồng tình với dự thảo của Bộ Tài chính  vì nó không phù hợp với điều kiện tình hình kinh tế hiện nay.

xuant.jpg
Tăng thuế sẽ tăng áp lực lên nhà sản xuất, kinh doanh và cả người tiêu dùng rượu, bia (Ảnh: HNMO)

Họ cho rằng, Bộ Tài chính cần có một lộ trình tăng giá cụ thể và không thế đánh đồng mức thuế chung cho mặt hàng rượu và bia như vậy. Công văn của Bộ Tài chính gửi cho VBA quá gấp, chỉ trong 1 tuần, nên các doanh nghiệp không thể xoay kịp để đưa ra ý kiến đóng góp cụ thể.

Bên lề cuộc họp góp ý kiến cho dự thảo nêu trên, phóng viên VOV online phỏng vấn Luật sư Ngô Quý Linh, Giám đốc Đối ngoại và Pháp lý của Anheuser-Busch InBev (AB InBev) tại Việt Nam, hãng sản xuất bia lớn nhất thế giới sắp tung ra thị trường sản phẩm được sản xuất tại thị trường Việt Nam vào đầu năm 2015.

PV: Như ông đã biết, tại cuộc họp, tất cả các doanh nghiệp đều không đồng tình việc tăng thuế TTĐB 15% đối với mặt hàng đồ uống. Vậy ý kiến của ông thì sao?

Luật sư Ngô Quý Linh
Luật sư Ngô Quý Linh: Bộ Tài chính đưa ra dự kiến này khiến các doanh nghiệp chúng tôi rất bối rối. Tính từ thời điểm này đến tháng 7/2015, chỉ còn hơn 1 năm nữa mặt hàng bia sẽ phải gánh thêm 15% thuế tiêu thụ đặc biệt. Thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị là quá ngắn.

Là một nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, AB InBev mong muốn Bộ Tài chính nên có cái nhìn tổng quát, tác động của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhu cầu của người tiêu dùng. Nếu tăng thuế quá nhiều sẽ dẫn đến tăng giá bán thành phẩm. Khi tăng giá, người tiêu dùng không tiêu thụ hàng hóa đó nữa sẽ làm cho sản lượng sản xuất bị giảm, và khi sản lượng giảm thì số thuế nộp cho cơ quan Nhà nước cũng bị ảnh hưởng. Những yếu tố này có mối liên hệ mất thiết với nhau và cần được đánh giá một cách tổng thể.

Chúng tôi rất mong Bộ Tài chính cùng các doanh nghiệp có một tiếng nói, cái nhìn chung để đưa ra chính sách phù hợp nhất. Đối với công ty AB InBev, với việc tăng thuế 15% rõ ràng rất ảnh hưởng đến việc lập và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.

PV: Như ông nói việc tăng thuế TTĐB lên 15% sẽ khiến cho công ty của ông nói riêng và các doanh nghiệp rượu bia nước giải khát gặp nhiều khó khăn. Vậy, ông có thể nói cụ thể hơn về những khó khăn mà công ty gặp phải như thế nào?

Luật sư Ngô Quý Linh: Việc tính toán giá thành để đưa sản phẩm ra thị trường tương đối phức tạp. Kế hoạch kinh doanh của chúng tôi dựa trên những quy định của pháp luật tại thời điểm quyết định đầu tư. Nhưng nay, Bộ Tài Chính có đề xuất tăng thuế. Việc tăng thuế như thế sẽ ảnh hưởng cụ thể như thế nào thì chúng tôi cũng chưa tính kịp.

Việc Bộ Tài chính gửi thư mời cho chúng tôi thông qua VBA để đóng góp ý kiến  trong 1 tuần. Thời gian gấp như thế nên chúng tôi cũng chưa có đủ thời gian để tính toán cụ thể là việc tăng như thế sẽ tác động như thế nào đến dự án đầu tư của mình.

Trong thời gian tới, chúng tôi rất mong Bộ Tài chính đưa ra cơ sở tính toán để giải thích cho đề xuất tăng thuế của mình. Khi đó, chúng tôi cũng sẽ có cơ sở để đưa ra các đóng góp của mình một cách cụ thể hơn dựa trên cái nhìn của doanh nghiệp.

PV: Xin cảm ơn ông!