Sự bùng phát của dịch Covid-19 đã và đang gây nhiều tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Hiện, nhiều doanh nghiệp trong nước đứng trước nguy cơ khó xuất khẩu và thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nguyên liệu sản xuất do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và một số nước lân cận. 

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết, mặc dù từ trước Tết, các doanh nghiệp vẫn còn nguyên liệu tồn kho, nhưng lượng tồn kho này cũng chỉ đủ đảm bảo sản xuất trong một khoảng thời gian ngắn, đến khoảng cuối tháng 3 thì lượng nguyên liệu tồn kho này sẽ sử dụng hết. 

Chia sẻ về những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông, đơn vị chuyên sản xuất phân bón cho hay, từ nhiều năm nay, 60% nguồn nguyên liệu của công ty là ở trong nước, còn lại nhập khẩu từ nước ngoài, cụ thể là Lào và Trung Quốc. 

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện  nay, nguồn cung nguyên liệu trở nên khó khăn hơn bao giờ hết bởi nhiều nhà máy ở Trung Quốc đã tạm ngừng sản xuất. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. 

Ông Phong dự báo, với tình trạng như hiện nay, doanh thu cả năm 2020 của doanh nghiệp sẽ sụt giảm từ 20% - 30% so với năm ngoái.

thuy_san_wpxy.jpg
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đang lâm vào cảnh khó xuất khẩu, thiếu nguyên liệu sản xuất. (Ảnh minh họa)

Diễn biến của đại dịch đang hết sức phức tạp và chưa biết khi nào sẽ chấm dứt, khi hết dịch bệnh rồi thì hệ lụy để lại vẫn rất lớn. Để duy trì sản xuất, hơn 1 tháng nay, công ty Tiến Nông phải tìm cách xoay sở để vượt qua những khó khăn này. 

Cụ thể, công ty đã chủ động tìm kiếm nguyên phụ liệu trong nước cũng như khai thác thêm một số thị trường để đáp ứng yêu cầu sản xuất. Trong đó mở rộng  thị trường sang Ấn Độ và các vùng miền khác để có thêm nguồn nguyên liệu. 

“Để khắc phục sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu trước mắt, chúng tôi đã và đang tìm hiểu, đánh giá lại thị trường, khai thác thêm thị trường mới. Qua đại dịch này, doanh nghiệp cần mạnh mẽ hơn nữa để đáp ứng được các yêu cầu thực hiện cũng như sản xuất lâu dài. Đồng thời, công ty sẽ nỗ lực để ổn định cuộc sống cho người lao động, hỗ trợ họ bằng quỹ dự phòng của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hồng Phong chia sẻ.

Trước sự hoành hành của dịch Covid-19, cũng như nhiều ngành, lĩnh vực khác, ngành thủy sản Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về nguồn nguyên liệu cũng như nhập khẩu hay xuất khẩu. 

Ông Vũ Huy Thủ, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Đại dương xanh -một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu thủy sản cho biết, hơn 1 tháng nay, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của công ty, từ việc nuôi trồng thủy sản cho đến việc khai thác, tìm kiếm nguồn nguyên liệu đều gặp rất nhiều trở ngại. 

Theo ông Thủ, khi đã nuôi thành sản phẩm rồi thì việc tiêu thụ sản phẩm lại càng khó hơn, khó ngay cả tiêu thụ tại thị trường trong nước. Việc xuất khẩu ra nước ngoài thì khó khăn hơn gấp bội, vì trong bối cảnh dịch bệnh, các cửa khẩu phải kiểm dịch rất gắt gao và mất nhiều thời gian. 

“Nhiều mặt hàng thường xuất khẩu qua đường chính ngạch hay cửa khẩu, sân bay hoặc các cửa khẩu biên giới. Nếu xuất khẩu bằng đường hàng không như hiện nay thì lượng hàng có thể giảm đi 60-70% vì các chuyến bay bị hạn chế, ngưng trệ, lưu thông không thuận lợi như trước đây. Đặc biệt, việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu giảm mạnh. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không dám nhập hàng thêm bởi không tiêu thụ được. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất cũng như mục tiêu sản xuất trong năm của doanh nghiệp”, ông Vũ Huy Thủ nói.

Với những khó khăn đang hiện hữu, ông Thủ dự đoán, doanh thu của năm nay sẽ giảm từ 20 - 30% so với năm ngoái.

 Nhằm khắc phục tạm thời, trước mắt, Công ty đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, bảo quản sản phẩm, trữ đông lạnh, đợi qua cao điểm dịch để xuất khẩu đi các nước. Cùng với đó, công ty sẽ có phương án cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, để “giữ chân” các khách hàng tiềm năng như Mỹ, châu Âu. Đồng thời, tận dụng cơ hội này để tăng xuất khẩu vào các nước khác trên thế giới, nhất là khi hiệp định EVFTA bắt đầu có hiệu lực vào tháng 7 tới đây. 

Đối mặt với khó khăn chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cho hay, với ngành dệt may của Việt Nam, Trung Quốc đóng vai trò cung cấp nguồn đầu vào rất lớn, bởi hàng năm nhập khẩu khoảng 60% vải, hơn 55% xơ sợi và khoảng 45% phụ liệu. 

Phần lớn doanh nghiệp dệt may chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4, đến thời điểm đó nếu dịch Covid-19 chưa được khống chế thì nguy cơ thiếu nguyên liệu sẽ hiện hữu.

Trước hàng loạt khó khăn của doanh nghiệp, ông Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam quan ngại, dịch Covid-19 đã làm lộ ra thực tế, nhiều ngành sản xuất của Việt Nam cũng như thế giới còn phụ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Đặc biệt, mức phụ thuộc vật liệu đầu vào càng ngày càng tăng. 

Để phát triển được công nghiệp hỗ trợ tốt phụ thuộc vào nhiều vấn đề, từ nguồn lực trong nước, vốn, công nghệ và làm sao bảo đảm được quy mô của nền kinh tế, bảo đảm bù lãi. Thời nay, chu kỳ về công nghệ, chu kỳ về sản xuất ngày càng ngắn, việc gia nhập muộn của những doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam ngày càng khó, ngày càng bị siết chặt. 

Do đó, doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý cần có giải pháp, hành động quyết liệt hơn trong việc xây dựng kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ những ngành xuất khẩu chủ lực. Nếu chậm trễ, nhiều ngành sẽ chịu bất ổn, rủi ro lớn trước những biến động khó lường của thị trường, nhất là từ thị trường Trung Quốc - nơi cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất./.