Với khoảng 10 triệu dân, Thành phố Hồ Chí Minh đang là nơi hấp dẫn các nhà bán lẻ nước ngoài. Việc xuất hiện các siêu thị, trung tâm thương mại nước ngoài như: E mart, Lottemart, Takashimaya… tại TP HCM thời gian gần đây đã khiến cho doanh nghiệp Việt đứng trước nỗi lo về sức ép cạnh tranh. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp Việt do có sự chuẩn bị trước cho việc hội nhập nên vẫn đứng vững trên thị trường nội địa và đang có những bước phát triển để thực hiện giấc mơ đưa hàng Việt vươn ra thế giới.
Cuộc chạy đua chiếm lĩnh thị trường bán lẻ trong nước (Ảnh minh họa: CafeF) |
Doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đang ồ ạt nhảy vào thị trường Việt Nam với một mạng lưới liên kết dàn trải rộng khắp cả nước đã tạo ra áp lực lớn cho doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ tính ở khu vực trung tâm quận Gò Vấp, trong phạm vi khoảng 2 km, từ đường Phan Văn Trị đến đường Nguyễn Văn Lượng đã có tới 4 siêu thị lớn là: Co.op mart, Vincom Plaza, Emart và Lotte mart. Trong đó, 2 siêu thị ngoại là Emart và Lottemart đang rất hút khách.
Tuy nhiên, Co.op mart Phan Văn Trị của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) vẫn duy trì được lượng khách hàng khá đông. Rất nhiều người tiêu dùng vẫn chọn Hệ thống siêu thị Co.op mart và chuỗi cửa hàng tiện ích Co.op Food để mua sắm bởi theo họ tin dùng hàng của hệ thống siêu thị này và thêm vào đó là các chế độ đãi ngộ cho khách hàng thân thiết cùng với nhiều chương trình khuyến mãi lớn trong năm.
Để chuẩn bị cho việc cạnh tranh, đưa hàng Việt ra khu vực và thế giới, Saigon Co.op và Tập đoàn NTUC FairPrice (Singapore) cùng thực hiện liên doanh mô hình kinh doanh đại siêu thị và đại siêu thị kết hợp phân phối số lượng lớn với thương hiệu Co.opXtra và Co.opXtraPlus . Bên cạnh việc bán hàng, Công ty liên doanh Saigon Co.op - FairPrice hình thành một bộ phận mua chung các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy sản, trái cây, may mặc… để cung ứng cho các đại siêu thị và tăng lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Singapore và các quốc gia khác.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết: Trong quá trình hội nhập, Saigon Co.op và với Co.op mart luôn tâm niệm rằng là làm sao mình phấn đấu, nỗ lực để hướng tối sự hoàn hảo và thỏa mãn nhu cầu tối đa của khách hàng với mô hình đại siêu thị.
Xác định cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại không chỉ yếu tố chất lượng sản phẩm mà còn là sản phẩm an toàn, uy tín thương hiệu, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một Thành Viên Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (VISSAN) đã đầu tư vào các nhà máy giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm hiện đại cùng với đó là thực hiện chuỗi liên kết chăn nuôi với các trang trại, các hộ chăn nuôi tại TP HCM, khu vực Đông và Tây Nam bộ.
Nhờ sự liên kết trong chăn nuôi và chế biến, kiểm soát chặt chẽ, dễ dàng truy xuất nguồn gốc, nên khi xảy ra sự cố liên quan đến sản phẩm kém chất lượng, vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm được doanh nghiệp xử lý ngay. Điển hình như trong tháng 4/2016, doanh nghiệp đã công bố tiêu hủy 80 con heo có chứa chất cấm trong chăn nuôi ngay sau khi cơ quan chức năng phối hợp cùng đơn vị truy xuất nguồn gốc và kiểm tra quy trình hoạt động.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc VISSAN cho rằng, quy luật cạnh tranh là một quy luật tất yếu để doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Đặc biệt đối với ngành thực phẩm, theo ông Mười, sản phẩm phải được chuẩn mực hóa.
Ông Mười cũng cho hay, nếu sản phẩm Việt chất lượng, an toàn và có sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất, chế biến, phân phối thì không những đứng vững trên thị thường nội địa mà phải tính đến việc việc xuất khẩu ra thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Văn Mình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ một vài đơn vị như Saigon Co.op và Vissan thì vẫn chưa thể thực hiện được việc cạnh tranh trong hội nhập một cách căn cơ và bền vững, bởi đây vẫn là những đơn vị đơn lẻ chứ chưa có sự liên kết thành những tập đoàn lớn đủ mạnh như của nước ngoài.
Hiện nay các nước đã mua một số thương hiệu lớn tại Việt Nam và dẫn dắt doanh nghiệp đi theo một cách có hệ thống. Mạng lưới siêu thị của họ liên kết rộng khắp cả nước, hàng ngoại lên kệ ngày càng tăng và nguy cơ hàng Việt ngày càng giảm trên các siêu thị ngoại là không tránh khỏi.
Ông Minh cho biết, cách đây 9 năm, khi còn làm Tổng Giám đốc Tổng Công ty thương mại Sài Gòn (Satra), ông đã đề nghị phương án thành lập một tập đoàn lớn, là cánh tay đắc lực của Bộ Công thương. Tập đoàn này bao gồm: Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng Công ty thương mại Hà Nội, Saigon Co.op và Tập đoàn bán lẻ Phước Thái. Tập đoàn này có cả nhà nước, có cả tư nhân nhằm xây dựng hệ thống phát triển phân phối Việt Nam, tập trung ở 5 khu vực thành phố lớn, thực hiện mua chung bán riêng. Tập đoàn không cần lấy lãi mà chỉ lấy chiết khấu của các công ty con. Tuy nhiên, tiếc là mô hình này lại chưa thực hiện được.
Hiện nay, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đề nghị lãnh đạo Thành phố xem xét việc sáp nhập các đơn vị thương mại của thành phố như Satra và Saigon Co.op thành tập đoàn bán lẻ lớn. Bởi lẽ, phải có những tập đoàn bán lẻ lớn thì mới đủ mạnh để cạnh tranh và hội nhập thế giới./.Doanh nghiệp bán lẻ ứng phó sao với bão đầu tư nước ngoài?