Bộ Công Thương đang soạn thảo Dự thảo Nghị định quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; trong đó có nhiều quy định mới nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, đồng thời bảo vệ người tham gia bán hàng đa cấp trước các hành vi lừa đảo, trục lợi.
Nhiều điểm mới
Theo Dự thảo Nghị định, có một số điểm mới cơ bản so với quy định hiện hành như: Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp sẽ được giao cho Bộ Công Thương thay vì các Sở như quy định trước đây. Đồng thời, dự thảo bổ sung quy định về thời hạn có hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp, theo đó, giấy chứng nhận cấp lần đầu có thời hạn 5 năm, sau đó doanh nghiệp được gia hạn nhiều lần, mỗi lần 5 năm.
Cấm kinh doanh theo mô hình kim tự tháp |
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng bổ sung quy định yêu cầu doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải có vốn pháp định là 10 tỷ đồng; tiền ký quỹ cũng được nâng lên mức 5 tỷ đồng so với mức tối đa 1 tỷ đồng theo quy định trước đây. Doanh nghiệp ký quỹ tại một ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Khoản tiền ký quỹ là để đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp đối với nhà nước, người tham gia và người tiêu dùng khi doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định.Đồng thời, dự thảo cũng quy định rõ trình tự, thủ tục, cách thức thực hiện việc ký quỹ, sử dụng tiền ký quỹ và rút tiền ký quỹ.
Tạm ngừng quá 12 tháng bị thu hồi giấy chứng nhận
Dự thảo quy định, doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ được phép tạm ngừng hoạt động không quá 12 tháng. Quá thời hạn này, doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp. Ngoài ra, khi tạm ngừng hoạt động, doanh nghiệp phải hoàn thành toàn bộ các nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp.
Bên cạnh đó, mỗi khi tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo liên quan tới hàng hóa bán hàng đa cấp, giới thiệu cơ hội kinh doanh và kỹ năng kinh doanh ở bên ngoài trụ sở, doanh nghiệp phải thông báo cho Sở Công Thương nơi tổ chức các hoạt động đó. Người tham gia bán hàng đa cấp cũng không phải trả phí cho các hoạt động đào tạo, ngoại trừ chi phí hợp lý để mua tài liệu đào tạo.
Người tham gia bán hàng đa cấp là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ trừ những trường hợp sau: Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc có tiền án về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả, quảng cáo gian dối, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng, các tội về lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản; Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có Giấy phép lao động tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Các hành vi bị cấm
Một số hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp cũng được nêu trong dự thảo. Trong đó, doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; không được yêu cầu người muốn tham gia phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; kinh doanh theo mô hình kim tự tháp... Theo Dự thảo Nghị định, mô hình kim tự tháp là mô hình được xây dựng theo phương thức kinh doanh đa cấp, trong đó thu nhập của người tham gia chủ yếu xuất phát từ một trong những hoạt động: Tuyển dụng người tham gia mới; Gia hạn hợp đồng của người đã tham gia; Phân chia các khoản phí hoặc tiền đặt cọc hoặc khoản đầu tư của người tham gia trong mạng lưới.
Dự thảo Nghị định quy định người tham gia bán hàng đa cấp cũng không được cung cấp thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp…
Bộ Công Thương là cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp. Giấy chứng nhận đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp có thể được gia hạn nhiều lần, mỗi lần có thời hạn 05 năm./.