Sáng nay (12/6), tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Báo Nhân Dân phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển sâm Ngọc Linh”. Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các Bộ Y tế, Khoa học và Công Nghệ, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.       

Sâm Ngọc Linh - Sâm Việt Nam được đánh giá là 1 trong 5 loại sâm có giá trị dược liệu và kinh tế cao trên thế giới. Hiện nay, cây Sâm Ngọc Linh sinh trưởng, bảo tồn và phát triển chủ yếu ở 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, với diện tích khoảng 500 ha. Theo kế hoạch, 2 địa phương này sẽ mở rộng diện tích lên hơn 46.000 ha.

vov_sam2_yxjq.jpg
Phát triển cây Sâm Ngọc Linh thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức.
Theo các chuyên gia, nhà khoa học, việc nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất giống chưa được quan tâm đúng mức, kỹ thuật trồng và chế biến sau thu hoạch chưa được chuẩn hóa, ít có sự tham gia của các nhà khoa học… Việc tìm cơ chế, chính sách để phát triển cây sâm, sản phẩm dược liệu từ sâm và xây dựng thương hiệu sâm Việt Nam là những vấn đề cấp thiết hiện nay.

Việc phát triển sâm Ngọc Linh vần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành.
Ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, khi cây sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm quốc gia, đòi hỏi có sự phối hợp một cách chặt chẽ giữa các bộ, ngành cũng như 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum trong việc bảo tồn và phát triển cây sâm của Việt Nam.

“Các tham luận trình bày đều cho thấy, cây sâm hiện nay đang phát triển một cách tự phát, chưa có nhiều tác động về khoa học công nghệ. Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ đầu tư các nghiên cứu, chủ động hơn nữa các tác động về khoa học và công nghệ, tạo điều kiện tốt nhất cho việc phát triển cây sâm”, ông Thanh nhấn mạnh ./.