Để đối phó với nguy cơ cạn kiệt nguồn năng lượng truyền thống hiện nay, Việt Nam lựa chọn điện hạt nhân và nhiệt điện than đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch điện mới. Trong đó, tập trung phát triển điện hạt nhân thay thế cho các phương thức sản xuất điện cũ, phát thải nhiều khí nhà kính.
Theo Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, điện hạt nhân là sự lựa chọn thích hợp, góp phần thay thế các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt đối với nước đang phát triển như Việt Nam sử dụng công nghệ nhà máy điện hạt nhân từ các nước tiên tiến sẽ tạo điều kiện thúc đẩy các ngành công nghiệp nội địa phát triển.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) |
“Phát triển điện hạt nhân là một trong những nhiệm vụ lớn trong Chiến lược phát triển năng lượng nguyên tử. Cục Năng lượng nguyên tử đã triển khai thăm dò, khai thác tài nguyên Urani của Việt Nam, chuẩn bị các điều kiện sau này khai thác thương mại Urani kỹ thuật cũng như nghiên cứu về các loại nhiên liệu. Đặc biệt, tập trung nghiên cứu lựa chọn công nghệ, đánh giá an toàn cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Trong đó, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng theo hướng dẫn của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế nhưng phù hợp với điều kiện Việt Nam. Chuẩn bị vững chắc cho khai thác an toàn, hiệu quả và an ninh điện hạt nhân trong tương lai”, ông Tuấn cho biết.
Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), “vòng đời” của dự án nhà máy điện hạt nhân kéo dài tới 60 năm, cao hơn nhiều các loại dự án nguồn điện khác (thủy điện công suất lớn chỉ 40 năm, nhiệt điện than 30 năm, tuabin khí chu trình hỗn hợp 25-30 năm…). Do vậy, giá điện bình quân cả đời dự án nhà máy điện hạt nhân là có tính cạnh tranh cao so với giá điện bình quân của các loại nguồn điện khác./.