Diễn đàn diễn ra từ ngày 20 - 23/1 với các cuộc thảo luận về cuộc cách mạng công nghệ, vật lý, số hóa và sinh học, đặc biệt là những tác động của chúng đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới.
Tham dự Diễn đàn năm nay có khoảng 2.400 đại biểu đến từ 100 quốc gia, là đại diện của các chính phủ, các tập đoàn, viện nghiên cứu, xã hội dân sự, truyền thông… Hơn 40 người đứng đầu nhà nước và chính phủ cũng tham dự Diễn đàn, bao gồm các Tổng thống Đức, Thụy Sĩ, Afghanistan, Nam Phi và Mexico.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch đồng thời là người sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới Klaus Schwab cho rằng, các cuộc cách mạng công nghiệp có khả năng làm thay đổi tất cả các lĩnh vực của đời sống con người, đồng thời đề nghị những đại biểu khi tham gia Diễn đàn cần giữ cho mình ít nhất một ý tưởng giúp thay đổi thế giới.
Diễn đàn kinh tế thế giới khai mạc tại Davos, Thụy Sĩ |
Ông Schwab nhấn mạnh sự cần thiết của đối thoại và hợp tác, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, tương lai thế giới chỉ có thể được quản lý tốt nếu các quốc gia tăng cường đối thoại và hợp tác.
Bên cạnh chủ đề lớn bao trùm là cuộc các mạng công nghiệp thứ 4, còn có 2 chủ đề lớn khác mà Diễn đàn đưa ra là cuộc khủng hoảng nhân đạo và nguyên nhân của cuộc khủng hoảng di cư. Ngoài ra, các đại biểu cũng sẽ thảo luận một loạt các vấn đề kinh tế và chính trị nóng trên thế giới, bao gồm giá dầu giảm, dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào Iran và mối đe dọa chủ nghĩa khủng bố.
Người đứng đầu nhóm công tác chương trình toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới Sebastian Buckup cho rằng, sẽ có nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh các nền kinh tế mới nổi, cũng như chính sách điều hành lãi suất của nhiều nước, bởi hiện tại chính sách điều chỉnh lãi suất giữa các nước có sự khác biệt.
Dù không được nhắc đến một cách chính thức, nhưng sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Trong khi đó, Guy Jackson, nhà báo Hãng tin AP của Pháp lại cho rằng, lo ngại về tác động của các cuộc tấn công khủng bố đối với nền kinh tế cũng là một trong những tiêu điểm của diễn đàn kinh tế năm nay.
Diễn đàn Kinh tế thế giới thảo luận các thách thức mới
“Nước Pháp đã phải chứng kiến vụ tấn công khủng bố hồi tháng 11 năm ngoái làm 130 người thiệt mạng. Vì thế, tôi nghĩ nhiều người sẽ quan tâm đến tác động của các vụ tấn công khủng bố đối với nền kinh tế toàn cầu,” nhà báo Guy Jackson chia sẻ.
Dù không phải là chủ đề chính, song vấn đề khủng bố sẽ được nhiều người quan tâm bởi Diễn đàn Kinh tế lần thứ 46 lần này diễn ra trong bối cảnh thế giới gần đây đã phải chứng kiến nhiều vụ tấn công khủng bố, gây thiệt hại về người và của cũng như dấy lên mối lo ngại nghiêm trọng về an ninh.
Ngay chính sự kiện này cũng diễn ra với nhiều cảnh báo về nguy cơ tấn công khủng bố liều chết. Bởi vậy mà an ninh đã được tăng cường từ sớm. Chính quyền Thụy Sĩ đã triển khai 5.000 nhân viên quân sự để hỗ trợ và đảm bảo an ninh tại khu vực Davos từ ngày 15 - 25/1.
Cảnh sát Thụy Sĩ cũng đã tăng cường các hoạt động tuần tra, bao gồm sử dụng chó nghiệp vụ để kiểm tra thuốc nổ trên các xe hơi đi vào Davos. Các cơ quan an ninh quốc gia như cảnh sát liên bang, cơ quan tình báo Thụy Sĩ, cảnh sát biên giới, địa phương và các cơ quan tình báo nước ngoài đều phối hợp để theo dõi an ninh trước và trong suốt thời gian diễn ra Diễn đàn Kinh tế thế giới./.