Diễn đàn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các sở ban ngành 5 tỉnh Tây Nguyên cùng các doanh nghiệp, Hợp tác xã tới tham dự.

Báo cáo tại diễn đàn đã nêu rõ: Tây Nguyễn là địa bàn có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Là vùng có tổng diện tích đất nông nghiệp trên 5 triệu ha, chiếm 91.75% diện tích đất tự nhiên, trong đó có 1,3 triệu ha đất đỏ bazan. Tây Nguyên là một trong những trung tâm sản xuất nông sản hàng hóa lớn của cả nước với sự dồi dào về sản lượng và phong phú về chủng loại nông sản gắn với công nghiệp chế biến, phát triển du lịch sinh thái. Với khí hậu thuận lợi, mảnh đất này là thủ phủ của các loại cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, cây dược liệu chất lượng cao, sản lượng lớn như cả phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, cao su, sắn, gỗ, sâm Ngọc Linh…

Điều này giúp cho nông nghiệp Tây Nguyên đã hội tụ đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để kết nối chuỗi giá trị sản xuất của vùng với nhu cầu tiêu thụ của các tỉnh, thành phố, vùng, miền trên cả nước, cũng như xuất khẩu, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tham dự diễn đàn, ông Nguyễn Tấn Công, chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ và Thương mại Nam Yang (huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) bày tỏ: “Diễn đàn đã mang lại cho chúng tôi nhiều lợi ích, chúng tôi được kết nối, nắm được thông tin của các tỉnh bạn và doanh nghiệp ở những nơi khác tới. Chúng tôi nắm được thông tin, nhu cầu của thị trường đó là chất lượng của sản phẩm như thế nào, những yêu cầu về tiêu chuẩn và đồng thời điều đặc biệt hơn đó là chúng tôi nắm được những chính sách định hướng của Nhà nước, Chính phủ để phát triển cho kinh tế vùng, cho kinh tế của một tỉnh, cho kinh tế của Tây Nguyên, đó là những điều chúng tôi đã thu gặt được trong diễn đàn”.

Bên cạnh những thuận lợi, nông nghiệp Tây Nguyên cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức lớn như biến đổi khí hậu, thiếu nước tưới trong mùa khô; kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất hàng hóa lớn; công nghệ canh tác, thu hoạch còn thủ công, lạc hậu; chất lượng giống cây trồng vật nuôi chưa cao, công tác quản lý giống cây trồng chưa thực sự tốt, vẫn còn tình trạng buôn bán nguồn giống kém chất lượng; đặc biệt là khâu sản xuất nông lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch - dịch vụ, quảng bá sản phẩm chưa thực sự được quan tâm đầu tư đúng mức...

Nhìn nhận thực tế những khó khăn mà địa phương đang gặp phải, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông chia sẻ tại diễn đàn: “Đăk Nông là nơi có những nông sản rất đặc biệt, tuy nhiên vẫn  chưa tạo ra một chuỗi cung ứng cho đầu ra của nông sản, đây là điểm nghẽn của chúng tôi hiện nay, chúng tôi đã mở ra rất nhiều cuộc họp để tìm ra nguyên nhân, hiện nay chúng tôi đang tập trung khắc phục để tạo được đường ra cho người nông dân. Qua đây, tôi cũng rất mong muốn, kì vọng để kêu gọi các nhà đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp, hãy đến với Đăk Nông”.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận về chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của khu vực Tây Nguyên. Một số nội dung được tập trung thảo luận gồm: Mở rộng không gian tiêu thụ nông sản và nâng cao giá trị hàng nông sản Tây Nguyên khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; Đổi mới mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, có giá trị gia tăng cao và bền vững; khai thác tài nguyễn đi đôi với bảo vệ, bảo tồn, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp và văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ là yêu cầu bức thiết của ngành nông nghiệp, nhất là công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ và điều phối các hoạt động phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn liên vùng, liên tỉnh./.