Theo ông Dũng, chuỗi giá trị lúa gạo ở ĐBSCL là một hệ thống kết nối các phân khúc từ cung cấp đầu vào, trồng trọt, chế biến, phân phối và tiêu thụ cuối cùng. Các tác nhân tham gia gồm: nông dân, thương lái, nhà máy xay xát, các công ty cung ứng, công ty xuất khẩu (XK), mạng lưới bán sỉ, bán lẻ. Tham gia vào chuỗi còn có các ngành có liên quan, các dịch vụ, cơ sở hạ tầng và thể chế hỗ trợ. Trong đó, điểm yếu nhất trong chuỗi là những người trồng lúa. Đó là một tập hợp rời rạc của hàng triệu nông hộ sản xuất trên mảnh ruộng của mình, mỗi người có hành vi ứng xử khác nhau.
Do sản xuất phụ thuộc nhiều vào thời tiết, mưa bão, lũ lụt nên nông dân trở thành nhóm sản xuất rất dễ bị tổn thương. Nông dân cũng là người chịu tác động mạnh nhất khi các yếu tố đầu vào tăng giá, họ cũng là nạn nhân của sự lạm phát tăng vọt. Nên khi giá lúa tăng, họ cũng không phải là người được hưởng lợi trọn vẹn, nhưng khi giá lúa sụt giảm thì thiệt hại lại rất lớn. Biến đổi khí hậu cũng là vấn đề lớn và nông dân cũng là những người bị tác động rất mạnh, trong khi sản xuất nông nghiệp hiện không được bảo hiểm…
Thương lái ở giữa người nông dân trồng lúa và khâu tiêu thụ cuối cùng, với những hoạt động hết sức đa dạng bao gồm các nhà máy xay xát, lau bóng lúa gạo, các cơ sở kinh doanh XK, kinh doanh nội địa... Hơn 95% lúa gạo do nông dân làm ra được thương lái mua và vận chuyển đến các nhà máy xay xát, cơ sở lau bóng, sau đó giao lại các công ty kinh doanh. Các công ty XK mua lại từ các nhà cung cấp trung gian khoảng 70% trong tổng số gạo XK.
Thương lái trong ngành lúa gạo ở ĐBSCL xuất hiện từ rất sớm. Kết quả của 20 năm liên tục XK lúa gạo cho thấy đây là một chuỗi khá bền vững và thương lái đã là một thành phần đóng góp. Thương lái là lực lượng trung gian, nắm được thông tin và mối quan hệ ở cả 2 đầu (nông dân và nhà XK) nên đã trở thành lực lượng không thể thiếu trong tổ chức vận hành.
"Lực lượng thương lái không giảm mà ngày càng đông thêm là dấu hiệu cho thấy sự ăn nên làm ra nhờ vào hoạt động XK. Nhưng nó cũng chỉ ra thực tế là chưa có sự cải thiện đáng kể nào về hệ thống canh tác, trình độ tổ chức vận tải, thực trạng hệ thống giao thông yếu kém cả đường thủy lẫn đường bộ ở ĐBSCL”, nguyên Giám đốc VCCI Cần Thơ nhận định.
Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, hàng năm Việt Nam canh tác lúa bình quân 3,9-4 triệu ha, so với cách đây 20 năm đã giảm khoảng 200.000ha. Năng suất xấp xỉ 5,8 tấn/ha, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 2 hoặc thứ 3 thế giới và rất khó để cao hơn nữa. XK gạo Việt Nam đứng hàng thứ 3 thế giới...
Tuy nhiên, theo ông Tùng, sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL đang và sẽ đối chọi với rất nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, sẽ có những nguy cơ xảy đến như hạn hán, xâm nhập mặn, thực tế cũng đã xảy ra ở mùa khô 2015-2016 khi mất đi khoảng 1 triệu tấn lúa ở vùng ven biển. Ngoài ra còn chịu nguy cơ ngập lũ… Đây sẽ không còn được xem là vùng thuận lợi nữa.
"Mặt khác, việc phát triển ngành hàng lúa gạo không chỉ thiên về năng suất, sản lượng hay giá trị mà chúng ta mong muốn nữa, mà nó còn liên quan đến vấn đề an ninh lương thực (ANLT) quốc gia. Tôi chỉ nói ANLT quốc gia mình thôi, và không ai bắt mình phải đảm bảo ANLT quốc tế cả. Chính phủ Việt Nam cũng chưa bao giờ nói là Việt Nam sẽ đảm bảo ANLT cho quốc tế, không ai nói vậy cả…”, ông Tùng nói.
Theo ông Võ Hùng Dũng, trên thị trường lúa gạo quốc tế, Việt Nam là một nhà XK lớn. Tuy nhiên, dự trữ lúa gạo của Việt Nam trong nhiều năm qua chưa phải là dự trữ chiến lược, mà là dự trữ trong lưu thông, bao gồm trong kho của các công ty, các nhà máy, một phần trong nông dân. Ở Việt Nam, trung bình chỉ 3 tháng là có một vụ thu hoạch mới nên dự trữ của Chính phủ không nhiều. Không phải tốn kém nhiều về chi phí dự trữ nên gạo Việt Nam có giá thành cạnh tranh mạnh với gạo Thái Lan và các quốc gia khác.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, chiến lược dự trữ như vậy là đặt cược ANLT quốc gia vào thời tiết trên một giả định hoàn toàn và không bao giờ xảy ra thiên tai nghiêm trọng ở ĐBSCL. May mắn là trong nhiều chục năm qua ĐBSCL không có những thiên tai lớn gây thiệt hại nghiêm trọng như đã xảy ra ở nhiều nước. “Nhưng liệu điều đó sẽ tiếp tục đúng trong vài chục năm tới, thậm chí trong 10 năm tới? Nếu có thiên tai lớn xảy ra thì ứng xử ra sao?” – ông Dũng nêu vấn đề và cho rằng Việt Nam cần có hệ thống dự trữ hữu hiệu đáp ứng nhu cầu của 100 triệu dân trong thập kỷ tới./.