Những ngày này, gia đình ông Huỳnh Văn Thiết (nhà vườn ở ấp Mỹ Phú, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) đang tất bật với việc trồng lại khoảng 1 hecta vườn cây đã bị thiệt hại do hạn mặn. Ông Thiết cho biết, đợt hạn mặn vừa qua đã làm chết 1 hecta cây sầu riêng gần 20 năm tuổi. Rút kinh nghiệm, hiện nay, ông đầu tư, cải tạo trồng lại các loại cây thích ứng với hạn mặn, từ bỏ cây sầu riêng.
“Hiện giờ tôi trồng lại cây dừa đỏ Mã lai, bưởi da xanh. Cây nào thích nghi với hạn mặn tôi mới chọn vì vùng tôi sau này thành vùng nước lợ rồi nên phải chọn loại thích nghi được. Kinh tế khi trồng 3-4 năm sau mà hạn lại lần nữa nông dân khổ. Bây giờ, nguồn điện ở đây rất yếu, tôi phải mua máy phát điện chạy máy lọc nước để cứu một số cây sầu riêng”, ông Thiết nói.
Xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre có diện tích vườn cây ăn trái chuyên canh trên 2.400 hecta, gồm 3 loại đặc sản là: chôm chôm, bưởi da xanh và sầu riêng. Đợt hạn mặn lịch sử vừa qua đã làm thiệt hại gần 50% vườn cây ăn quả. Ngay sau mưa xuống, nước ngọt về, nhà vườn bắt tay ngay vào khắc phục vườn cây, đốn bỏ những diện tích đã chết hoặc già cỗi, kém năng suất, chọn những giống cây ăn quả vừa thích ứng hạn mặn vừa đảm bảo nhu cầu thị trường.
Ông Lê Hoàng Huy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phú cho biết, đa số nhà vườn đã khôi phục lại vườn cây; trong đó, có những diện tích đảm bảo an toàn, nhà vườn vẫn trồng lại cây sầu riêng đặc sản. Nhìn chung hiện nay, vườn cây phát triển tốt: “Vườn cây rất tốt, người dân tái đầu tư chủ yếu mua trồng cây thích hợp. Những vùng bảo vệ được hạn mặn thì người ta vẫn tái lại cây sầu riêng, cây khắc phục tương đối tốt vì người dân chủ động không trông chờ. Hỗ trợ chính sách thì nhà nước hỗ trợ làm cống trước, để bảo vệ vườn cây”.
Chính quyền, đoàn thể địa phương đã tiến hành thống kê mức độ thiệt hại, đề nghị về tỉnh xem xét, hỗ trợ; đồng thời, tổ chức các cuộc hội thảo chuyển giao kỹ thuật giúp nhà vườn khôi phục sản xuất sau hạn mặn. Nhờ vậy mà hiện nay, vườn cây ăn trái tại xã Tân Phú đã xanh tươi. Nhiều nhà vườn còn xử lý cho cây ra hoa để có thu hoạch dịp Tết cổ truyền.
“Trồng lại cây mới thì mình đã liên hệ ngành chuyên môn để hỗ trợ kỹ thuật, hướng dân cho bà con cách rửa mặn. Do hạn mặn gây thiệt hại nên địa phương tập trung tuyên truyền cho bà con nắm được tình hình nước mặn thường xuyên, thông qua Đài truyền thanh, mạng, các cuộc họp để bà con nắm được”, ông Trần Hoàng Liêm, Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết thêm.
Để giúp nhà vườn xã Tân Phú sống chung với hạn mặn, từ nguồn kinh phí của trung ương, tỉnh đã và đang đầu tư xây dựng 3 hệ thống cống đập có quy mô lớn để ngăn mặn, trữ ngọt. Riêng các đê bao cục bộ bị sạt lở, xuống cấp đã được chính quyền và nhân dân gia cố, nâng cấp đảm bảo ngăn mặn an toàn.
Bằng trí tuệ, lòng quyết tâm, sự cần mẫn của nhà vườn đã giúp vườn cây đặc sản của xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre sớm phục hồi, xanh tốt, hứa hẹn trúng mùa, trúng giá, là điểm sáng để nhân rộng ra các địa phương khác./.