Chiều mùng 4 Tết Âm lịch, các cửa hàng rửa xe ở đường Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy tấp nập ôtô ra vào. Cùng một lúc, các cửa hàng có thể nhận rửa 3 - 4 xe, với giá 100.000 đồng/xe trong khi những ngày thường, mức giá rửa xe chung của cả khu vực này là 25.000 - 35.000 đồng.

Một chủ cửa hàng rửa xe cho biết, vào những ngày cận Tết và sau Tết, cửa hàng phải trả lương cho nhân viên cao gấp 3 ngày thường. Trung bình mỗi ngày công, nhân viên thường được nhận 100.000 đồng không bao ăn uống. Còn ngày Tết, lương nhân viên sẽ là 300.000 đồng cả ăn trưa.

Nhu cầu rửa xe đi chơi của khách cao nên những ngày sau Tết, các cửa hàng rửa xe làm không kịp ngơi tay. Dự báo doanh thu của một cửa hàng trong dịp Tết này (tính từ 27 Tết đến mùng 5 Tết) vào khoảng 80 triệu đồng.

Trên các con phố đông hàng rửa xe tại Hà Nội như Hoàng Cầu (quận Đống Đa), Thụy Khuê (quận Tây Hồ), Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), hàng nào cũng chật kín khách trong các ngày sau Tết từ mùng 2 đến mùng 5 Tết.

Với lý do nhân công phải làm thêm ngày Tết, hầu như cửa hàng nào cũng tính đắt hơn gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Giá rửa mỗi chiếc xe máy ngày Tết đắt hơn rửa ôtô ngày thường, từ 30.000 - 50.000 đồng. Trong ngày 30 Tết, giá rửa xe hơi một số nơi có thể lên đến 200.000 đồng và giảm dần vào sau Tết. Một số ít cửa hàng không tăng giá hoặc tăng không nhiều, chủ yếu là cửa hàng nhỏ do chủ nhà tự mở.

Về phía khách hàng, một số người phàn nàn giá cả leo thang nhưng vẫn chấp nhận rửa vì nhu cầu xe sạch sẽ đi chơi Tết. Cộng thêm việc thời tiết Hà Nội trong dịp này lúc mưa lúc nắng, những chiếc xe vừa rửa hôm trước, hôm sau có thể đã bẩn.

Một khách hàng mang "bốn bánh" đến rửa ở đường Nguyễn Khánh Toàn cho biết, anh không cảm thấy phiền khi giá tăng. "Ngày Tết, trong khi mọi người được nghỉ thì những người ở đây vẫn phải làm việc. Nếu họ không thu thêm tiền, tôi cũng định gửi thêm tiền coi như khoản lì xì đầu năm", khách hàng nói./.