Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản năm 2012 tiếp tục gặp khó khăn, giá cả bất động sản sụt giảm ở tất cả các phân khúc thị trường. Số lượng giao dịch giảm mạnh, thậm chí nhiều dự án không có giao dịch. Tình hình giao dịch bất động sản kể cả thông qua hệ thống các sàn giao dịch bất động sản (bán nhà ở của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản) và giao dịch không thông qua sàn giao dịch bất động sản (mua, bán nhà ở của người dân) rất ảm đạm.
Vì vậy, theo báo cáo của các Sàn giao dịch BĐS tại Hà Nội và TP HCM: Về giá trị giao dịch, Hà Nội (báo cáo của 94 sàn) có 1.833 giao dịch thành công với tổng giá trị giao dịch là 6.198,1 tỷ đồng; TP HCM (báo cáo của 129 sàn) có 4.015 giao dịch thành công với tổng giá trị giao dịch là 11.049 tỷ đồng. Riêng tại TP HCM, thị trường BĐS trầm lắng kéo dài 3 năm nay (2009-2012) và chưa có dấu hiệu hồi phục.
Về hàng tồn kho, Hà Nội hiện tồn 2.392 căn hộ chung cư, 3.483 căn nhà thấp tầng; TP HCM tồn 10.108 căn hộ chung cư, 1.131 căn nhà thấp tầng, 34.282m2 đất nền.
Bộ Xây dựng còn cho biết, sản lượng sản xuất và nhu cầu sử dụng các loại VLXD đều giảm đáng kể. So với cùng kỳ năm 2011, trong năm 2012 hầu hết các nhà máy đều không phát huy hết công suất, tồn kho tăng cao nhất là đối với sản phẩm gạch bê tông khí chưng áp, gạch ốp lát, kính xây dựng,… xi măng vẫn là sản phẩm có sản lượng tiêu thụ khá nhất so với chủng loại vật liệu xây dựng khác.
Tổng sản lượng xi măng ước tiêu thụ năm 2012 khoảng 53,6 triệu tấn, trong đó tiêu thụ nội địa đạt khoảng 45,5 triệu tấn, giảm 7,1% so với sản lượng xi măng tiêu thụ nội địa năm 2011; xuất khẩu khoảng 8,1 triệu tấn, tăng 145% so với năm 2011.
Vừa qua, qua rà soát các dự án xi măng dự kiến hoàn thành trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2015, Bộ Xây dựng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giãn hoãn tiến độ một số dự án, thậm chí đưa ra khỏi Quy hoạch một số dự án không còn phù hợp; để giảm bớt lượng cung trong thời gian tới.
Năm qua, nhiều nhà máy gạch ốp lát đã phải dừng sản xuất từ 2-3 tháng vì tiêu thụ chậm; công suất hiện có được khai thác thấp, chỉ vào khoảng dưới 50%; lượng tồn kho lớn, mặc dù từ đầu năm nhiều dây chuyền phải dừng do không tiêu thụ được.
Cạnh đó, sản xuất kinh doanh mặt hàng kính xây dựng cũng trong tình trạng tiêu thụ kém hơn so với năm 2011; sản phẩm Kính nổi tồn kho trung bình của cả nước là 5 tháng sản xuất, cá biệt có doanh nghiệp tồn 6 tháng sản xuất; Kính cán có 4 dây chuyền, đã phải dừng sản xuất 3 dây chuyền; Kính gia công bị cạnh tranh mạnh hơn, giảm sản lượng 40- 50% so với năm 2011.
Số liệu sơ bộ tính đến 31/12/2012 như sau: Tổng số doanh nghiệp ngành xây dựng đang hoạt động là 52.746 doanh nghiệp (năm 2011 là 42.197); tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong xây dựng là 15.925 doanh nghiệp (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2011); bất động sản là 1.103 doanh nghiệp (giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2011);
Số doanh nghiệp ngành xây dựng kinh doanh có lãi là 42.197 doanh nghiệp (năm 2011 là 33.362 doanh nghiệp), số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ là 15.296 doanh nghiệp (năm 2011 là 14.998 doanh nghiệp); số các doanh nghiệp ngành xây dựng dừng hoạt động hoặc giải thể là 2.637 doanh nghiệp, trong đó có 2.110 doanh nghiệp xây dựng, 527 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. So với cùng kỳ năm 2011, tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động của ngành xây dựng tăng 9,4%; trong đó doanh nghiệp xây dựng tăng 6,2%, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tăng 24,1%;
Tổng số lao động ngành xây dựng năm 2012 khoảng 2,183 triệu người, tăng 25% so với 2011; thu nhập bình quân 3,81 triệu đồng/người/tháng, tăng 0,8% so với năm 2011./.