san_bay_da_nang_1__jktr.jpg
Nhà ga quốc tế T2 Cảng hàng không Đà Nẵng rộng 21.000 m2, trong đó diện tích sàn xây dựng 48.000 m2, được thiết kế có hình tuyến tính, thành hai công trình cho hai khu vực đi và đến riêng biệt.
Mặt tiền tại sảnh ga đi của sân bay gần như hoàn thiện. Một số chi tiết nhỏ đang được công nhân lắp ráp, trang trí.
Ga T2 quốc tế Đà Nẵng nằm ngay cạnh nhà ga hiện tại, được đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, gồm nhà ga, cầu vượt, sân đỗ ôtô. Hạng mục đường tầng có diện tích xây dựng 7.500 m2, dài 623 m. Phần tiếp giáp nhà ga rộng 11 m2, lề đi bộ 2 m, đảm bảo 2 làn xe chạy và 1 làn dừng.
Đây là công trình quan trọng nhằm phục vụ năm APEC 2017 và hướng tới sự phát triển hàng không trong tương lai.
Là dự án xã hội hóa đầu tiên trong lĩnh vực hàng không, nhà ga hiện đại nhất miền Trung này được khởi công từ năm 2015, chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng.
Dự kiến khánh thành vào ngày 19/5 tới nhưng ngay từ 9/5, hãng hàng không Vietnam Airlines đã bắt đầu cho khai thác tất cả chuyến bay quốc tế đến và đi chuyển từ ga hành khách T1 sang ga mới T2.
Còn Jetstar Pacific bắt đầu thay đổi hoạt động từ ngày 11/5. Theo đó, tất cả chuyến bay quốc tế đi và đến sân bay Đà Nẵng của hãng này cũng được chuyển sang vận hành tại nhà ga T2. Riêng Vietjet, do chưa có chuyến bay quốc tế khai thác từ Đà Nẵng nên không có thay đổi.
Nhà ga T2 Đà Nẵng có thiết kế khu vực check-in với 40 quầy làm thủ tục, trần thiết kế tận dụng ánh sáng trời tự nhiên, tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, việc thiết kế không gian rộng cũng tạo ra khoảng trống dự phòng để tránh trường hợp bị quá tải trong tương lai.
Trong đó có 3 quầy làm thủ tục cho khách hạng thương gia (quầy số 20, 21, 22) nằm gần chính giữa hai khu vực check-in. Ngoài ra, các hãng hàng không có thể mở rộng thêm quầy làm thủ tục tại cánh phải khi cần.
Công trình sẽ đáp ứng tối đa 1.600 hành khách vào giờ cao điểm. Sau khi có ga quốc tế mới, nhà ga hiện tại của sân bay Đà Nẵng chuyển thành ga nội địa.
Khi đó, sân bay này sẽ có hai nhà ga độc lập đảm bảo sự tăng trưởng hành khách quốc tế, với dự báo phục vụ trên 2,3 triệu khách năm 2022, 4 triệu khách năm 2025 và 6 triệu khách vào năm 2030 theo như quy hoạch điều chỉnh đã được phê duyệt.
Phòng khách hạng Thương gia rộng 860 m2 nằm trên tầng 3 với sức chứa hơn 180 người. Nơi đây phục vụ khách hàng thường xuyên, khách hạng thương gia của Vietnam Airlines và nhiều hãng hàng không quốc tế khác khai thác tại T2 Đà Nẵng.
Có tất cả 4 cửa đi và đến bằng ống lồng và 6 cửa bằng xe bus.
Hai đảo xử lý hành lý đi và bốn đảo trả hành lý đến. Theo giới thiệu của chủ đầu tư, công trình không chỉ đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách mà còn là điểm nhấn về kiến trúc đô thị ở TP Đà Nẵng.
Hiện Jetstar Pacific và Jetstar Group có 24 chuyến bay quốc tế mỗi tuần đi và đến sân bay Đà Nẵng, bao gồm các chuyến bay thường lệ giữa Đà Nẵng - Đài Bắc, Đà Nẵng - Hong Kong, Đà Nẵng - Singapore.
Có tổng cộng 20 quầy thủ tục xuất cảnh, 22 quầy thủ tục nhập cảnh và 10 cửa ra máy bay.
Toilet được thiết kế với nhiều loại gam màu, sử dụng vật liệu xây dựng hiện đại, trang trí bắt mắt.
Trước đó, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cũng đã đưa vào những chiếc xe cứu hỏa hiện đại tại sân đỗ, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Chiều 10/5, trước thời điểm khánh thành 9 ngày, lực lượng công nhân hối hả hoàn tất các công đoạn làm đẹp, trang trí các chi tiết tại nhà ga.
Cùng lúc đó, chuyến bay đầu tiên (số hiệu VN-431) chở 155 hành khách tới nhà ga T2, Cảng hàng không Đà Nẵng từ thủ đô Seoul (Hàn Quốc) đã được phun vòi rồng làm lễ chào mừng. Đây cũng là chuyến bay quốc tế thứ 10.000 khai thác tại Đà Nẵng của Vietnam Airlines.
Phối cảnh nhà ga T2 Đà Nẵng trước đó.