Sau khi Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng báo cáo trước Chính phủ về tình hình thị trường bất động sản, đặc biệt là gói hỗ trợ 30.000 tỷ, Thủ tướng chỉ đạo: Với tồn kho BĐS, triển khai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở thu nhập thấp, cần đơn giản thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua nhà”.

Trước đó, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Bộ Xây dựng đã có công văn yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để người dân có thể nhanh chóng mua được nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội. 

Thí dụ, về thủ tục xác nhận thì chỉ cần một cơ quan xác nhận thôi, không thể để người dân phải đi xin xác nhận ở quá nhiều nơi, vướng vào quá nhiều thủ tục rườm rà. Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản gửi tới NHNN, cụ thể hóa tiêu chuẩn nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, tính đến tháng 3/2013, tồn kho bất động sản (BĐS) tương đương trên 125 nghìn tỷ đồng, trong đó tồn kho căn hộ chung cư và nhà thấp tầng khoảng 65 nghìn tỷ, tồn kho đất nền khoảng 60 nghìn tỷ.

“Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, Chính phủ yêu cầu hướng các dự án phù hợp với người tiêu dùng và sản phẩm phù hợp với khả năng thanh toán của các đối tượng khác nhau. Vì vậy, Chính phủ đã yêu cầu gắn việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS với nhà ở, trong đó tập trung vào nhà ở xã hội. Nếu như giải quyết được vấn đề nhà ở xã hội thì cũng sẽ giải quyết được tình trạng tồn kho của BĐS, đồng thời tăng cầu cho nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho các ngành khác”.

Chính phủ đã đồng ý hoàn thiện thể chế, chính sách tài khóa, điều chỉnh thuế… để giải quyết tồn kho bất động sản. Tuy nhiên, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, trong số các giải pháp đưa ra thì vấn đề “điều chỉnh cơ cấu sản phẩm” rất quan trọng, có liên quan trực tiếp đến vai trò của các địa phương.

Bộ trưởng khẳng định: “Nếu địa phương quyết liệt để tạo điều kiện cho chủ đầu tư chuyển đổi cơ cấu, nhất là các dự án tập trung vào chiến lược phát triển nhà ở xã hội thì sẽ sớm giải quyết. Vì vậy, tôi đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát các dự án BĐS theo chỉ thị 2196, phân loại cho chuyển đổi các dự án thương mại sang nhà ở xã hội, các dự án đang triển khai cũng không thể kéo dài được nữa”.

Cũng theo ông Trịnh Đình Dũng, hiện nay nhu cầu mua nhà ở xã hội rất lớn, đây là nhu cầu trung hạn, nhưng vấn đề đặt ra là có người đầu tư cho nhà ở xã hội không.

Ông Dũng cho biết: “Hiện nay đã có những giải pháp động viên doanh nghiệp, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng mặn mà với các dự án nhà ở xã hội, vì vậy không thể giải ngân nhanh gói 30.000 tỷ được”./.