Ý tưởng về quy hoạch sông Hồng gắn với những khu đô thị văn minh, hiện đại đã từng được đề cập gần 25 năm trước. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, những siêu dự án thành phố ven sông Hồng vẫn còn nằm trên giấy. Mới đây, Thành Uỷ Hà Nội đã thống nhất chủ trương về Đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng, hướng tới phát triển đô thị, thành phố ven sông Hồng. Phóng viên VOV.VN đã có cuộc trao đổi với GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - về đề án thành phố ven sông Hồng của Hà Nội.
PV: Ông đánh giá thế nào về việc Hà Nội đưa ra bàn và tiến tới những bước thực hiện dự án thành phố ven sông Hồng?
GS. Đặng Hùng Võ: Đây là dự án có triển vọng rất tốt cho Hà Nội và cũng là lần thứ 3 chúng ta nhắc đến dự án thành phố ven sông Hồng. Trong 2 lần trước, chúng ta đã đề cập, nhưng câu chuyện thoát lũ sông Hồng như thế nào để mang tính bền vững thì chưa được giải quyết, tôi hy vọng lần này chúng ta quyết tâm vượt qua được những khó khăn, có biện pháp để giải quyết.
PV: Để thực hiện được dự án thành phố ven sông Hồng, theo ông, Hà Nội cần chú ý những điểm gì?
GS. Đặng Hùng Võ: Thứ nhất, tôi cho rằng chúng ta phải quyết tâm. Bởi vì đây là một mỏ vàng mới của Hà Nội. Mặc dù hiện nay, khu vực ven sông Hồng tình trạng sử dụng đất còn đang lộn xộn, sử dụng đất trái pháp luật là khá nhiều. Chúng ta phải có quyết tâm đừng để như 2 lần trước khi đề cập thành phố ven sông Hồng chỉ là mở ra bàn xong rồi gói lại. Điểm quan trọng đầu tiên là chúng ta phải đả thông về tư duy rằng đây là một việc buộc phải làm đối với Hà Nội.
Điểm thứ hai, chúng ta sẽ gặp phải những khó khăn về tài chính, giải pháp tài chính như thế nào để có thể triển khai dự án? Nếu lấy ngân sách Nhà nước thì chắc không đủ, theo tôi, chúng ta phải sử dụng giải pháp lấy ngay tiềm lực tài chính từ quỹ đất giống như thành phố Đà Nẵng đã làm, điều này có thể giải quyết được vấn đề.
Điểm thứ ba, tôi cho đây là các giải pháp kỹ thuật, tức là vấn đề bắc cầu qua sông Hồng như thế nào để hỗ trợ cho thành phố sông Hồng. Nội dung thành phố sông Hồng là gì, để phát triển gì, điều mà vẫn gọi là mật độ kinh tế tại chỗ tạo dựng thế nào?
PV: Theo ông, đâu sẽ là trọng tâm trong quy hoạch thành phố ven sông Hồng?
GS. Đặng Hùng Võ: Chúng ta cần phải tư duy dự án này phát triển du lịch sẽ là trọng tâm, tạo dựng được một thành phố khi cải tạo chuyển đất nông nghiệp một số nơi trở thành đất đô thị, tạo dựng những khu đô thị mới và cải tạo, dọn dẹp lại phần đô thị cũ.
Bên cạnh những khu đô thị mới thì cần phải tính đến chuyện nâng cấp các khu đô thị cũ, theo hướng chỗ nào là khoảng mở, không gian bảo vệ môi trường để có thể tạo dựng được những thành phố sông ven Hồng có cảnh quan đẹp phát triển được du lịch, là một khu đô thị hiện đại.
Sông Hồng không chỉ mang lại cảnh quan cho Hà Nội mà đây là một con sông còn mang yếu tố quan trọng về phong thủy cho Hà Nội nữa. Do vậy, dựa vào sông Hồng để phát triển cũng là một điều rất tuyệt vời đối với Hà Nội.
PV: Việc triển khai dự án sông Hồng này sẽ có tác động như thế nào đến thị trường bất động sản, thưa ông ?
GS. Đặng Hùng Võ: Triển khai dự án thành phố ven sông sẽ tăng quỹ nhà, tăng cung cho thị trường và đồng thời cũng cải tạo lại phần đô thị cũ. Điều này sẽ làm cho thị trường bất động sản tốt hơn. Tuy nhiên khu vực ven sông hiện nay, đất chủ yếu vẫn nguyên thủy là đất nông nghiệp và chúng ta làm sao biến tiềm năng đất nông nghiệp này thành vàng.
PV:Trong dự án thành phố ven sông Hồng, hệ thống các cây cầu bắc qua sông cũng là điểm nhấn trong quy hoạch, ông đánh giá sao về việc này?
GS. Đặng Hùng Võ: Đối với một thành phố thì bao giờ cầu cũng đóng một vai trò rất quan trọng, Hà Nội hiện nay đang đưa ra một kế hoạch xây cầu qua sông Hồng khá nhiều tham vọng. Đây là biểu hiện tốt, bởi thứ nhất, các cây cầu sẽ tạo ra cảnh quan đẹp cho một thành phố. Thứ hai, hệ thống cầu bắc qua sông Hồng cũng sẽ trực tiếp tác động vào quy hoạch thành phố ven sông Hồng, hệ thống các cầu qua sông phải kết hợp với khoảng đất trên sông Hồng mới tạo được cảnh quan và hiệu quả trong khai thác quỹ đất tại đây.
Khu đô thị ven sông Hồng là dự án nếu nói về mặt địa kinh tế thì ai cũng thấy là một mỏ vàng lớn cho phát triển đô thị đang để hoang hóa, đang bị sử dụng đất không đúng mục đích và không hiệu quả.
PV:Xin cảm ơn ông!./.