Sắt thép hoen gỉ, phơi mưa phơi nắng, không biết ngày về đích là thực trạng ở nhiều dự án tại các vị trí đắc địa trên địa bàn Hà Nội. Trong đó, có thể kể đến Dự án đại siêu thị Ciputra, Dự án số 1 Yên Phụ (cùng tại quận Tây Hồ); Dự án Sky Garden Towers (phường Định Công, quận Hoàng Mai); Dự án 131 Thái Hà (quận Đống Đa)…
Khởi công từ năm 2010, nhưng đến nay, Trung tâm thương mại Ciputra có quy mô 7,3 ha nằm trên “đất vàng” (thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) chưa thi công xong phần móng. Nằm ngay giữa khu vực trung tâm của quận, dự án với 4 mặt tiền này đang được chủ đầu tư quây tôn kín mít, phía trong là những cột bê tông, sắt thép xiêu vẹo giữa “ao tù nước đọng” mà đơn vị thi công đào lên dang dở.
Cận cảnh dự án đại siêu thị Ciputra tại quận Tây Hồ gần 10 năm thi công. |
Cũng tại quận Tây Hồ, Dự án nhà công vụ thuộc Công an thành phố Hà Nội (tại số 1 Yên Phụ), với chiều cao 16 tầng, nhưng sau 8 năm thi công, nay chỉ là bộ khung bê tông trơ trọi, rêu phong, nhem nhuốc bên Hồ Tây hoa lệ.
Ông Phạm Thành Trung, Phó Chủ tịch phường Yên Phụ, quận Tây Hồ cho biết, công trình số 1 Yên phụ dừng đã lâu và chưa biết ngày nào tiếp tục. Công trình dừng thi công, bỏ hoang không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, vì đây là ngã 5 của phường Yên Phụ, quận Tây Hồ mà còn ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, dịch bệnh như sốt xuất huyến, rác rưởi ở bên trong…
Tương tự, tại quận Hoàng Mai, Dự án Sky Garden Towers (phường Định Công), sau gần một thập kỷ động thổ, Dự án chung cư thiết kế 28 tầng này cũng là khối bê tông, sắt thép khổng lồ phơi mưa, phơi nắng. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng “đắp chiếu” là do năng lực tài chính hạn chế của chủ đầu tư. Cùng với đó là những sai phạm trong quá trình triển khai dự án. Hàng trăm khách hàng đã lâm vào cảnh “tiền mất tật mang” khi ký hợp đồng tham gia góp vốn, đóng tiền mua nhà, nhưng 6 năm nay không thể liên lạc với chủ đầu tư.
Một dự án tai tiếng khác là công trình “Khu dịch vụ, văn phòng nhà ở kinh doanh” tại 131 Thái Hà, quận Đống Đa do Công ty Trách nhiệm hữu hạn tổng hợp Huy Hùng làm chủ đầu tư. Công trình được Sở xây dựng Hà Nội cấp phép vào năm 2005 với quy mô 1 tầng hầm, 11 tầng nổi. Nhưng sau 2 năm thi công xong phần thô, công trình đột nhiên dừng lại. Điều đáng chú ý là, dù công trình chưa xây xong, nhưng thời gian qua, chủ đầu tư đã cho các đơn vị kinh doanh thuê mặt bằng, mở siêu thị Minh Hoa.
Dự án 131 Thái Hà |
Ông Hoàng Quang Huy, trú tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa bức xúc: Tòa nhà này dừng đã 5-7 năm nay. Không hiểu sao công trình đang xây dựng dang dở mà ngành chức năng lại để cho khai thác siêu thị ở đây. Người ở dưới công trình dang dở rất nguy hiểm. Nhiều người lo ngại đến việc phòng cháy chữa cháy khi xảy ra hỏa hoạn.
Các dự án “hoen gỉ”, không biết ngày về đích trên địa bàn Hà Nội không chỉ để lại hệ lụy về mặt cảnh quan, văn minh đô thị, mà còn thiệt hại rất lớn về kinh tế.
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam cho rằng, việc hàng loạt dự án dang dở trên địa bàn Hà Nội đang “chôn” một số vốn khổng lồ, đó là chưa kể thiệt hại về lãi suất, chi phí bất động sản. Điều này gây nguy hiểm cho nền kinh tế, đó là “rót” một nguồn vốn rất lớn vào đó mà không có hiệu quả. Hậu quả xã hội rất lớn. Thứ hai là bản thân chủ đầu tư cũng ngắc ngoải, xã hội nhìn vào công trình nhếch nhác. Nhiều dự án lúc nào cũng chỉ thấy sắt thép hoen gỉ, khung sườn dơ xương.
Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, các dự án như đại siêu thị Ciputra, Sky Garden Towers, Dự án 131 Thái Hà… là hậu quả từ sự thẩm định đầu tư thiếu chặt chẽ, nhất là trong việc “đo đếm” năng lực tài chính của chủ đầu tư. Với những dự án này, Hà Nội nên thu hồi, hoặc thay đổi chủ đầu tư thực hiện dự án./.
Sắp khởi công thêm dự án nhà ở xã hội gần 1.600 căn hộ tại Hà Nội